Trước đó, nhiều ngày liên tiếp, người dân ở các thôn gần Lò đốt rác Đại Nghĩa (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã người dân dựng lên các lều trại, giăng băng rôn căng ngang dòng chữ “Phản đối xây dựng nhà máy rác”. Thậm chí, người dân còn mang cả đồ ăn, thức uống và tụ tập từ sáng sớm cho tới chiều tối nhằm ngăn cản đơn vị thi công san lấp mặt bằng. Theo người dân địa phương, họ phản đối vì lo ngại khi đi vào hoạt động lò đốt rác sẽ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước.
Người dân dựng lều phản đối xây dựng nhà máy rác
“Cách đây nửa tháng, một nhóm công nhân bắt đầu đưa phương tiện, máy móc lên khu đất thuộc núi Sơn Gà và thực hiện việc san ủi để xây lò đốt rác. Sau khi phát hiện, hàng trăm người dân thôn Đại An đã kéo lên đây phản đối”, bà Nguyễn Thị Mai (SN 1967, trú thôn Đại An) nói.
Lý do phản ứng theo bà Mai, lò đốt rác chỉ cách khu dân cư và ruộng lúa sản xuất của người dân chỉ 300m. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ xả ra môi trường khối lượng lớn khói độc hại.
“Ngoài ra, nguồn nước thải từ nhà máy rác sẽ ảnh hưởng quá trình sản xuất lúa và nguồn nước ngầm của chúng tôi” – bà Mai băn khoăn.
Người dân thôn Đại An chúng tôi đồng lòng để phản đối xây dựng lò đốt rác này”, bà Mai nói thêm.
Bà Lê Thị Mánh (SN 1949) cho hay, nếu không phản đối sau này khi nhà máy rác đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng nguồn nước sản xuất 300ha lúa của thôn Đại An.
Trước sự phản đối của người dân, đơn vị thi công đã dừng san lấp
Được biết, Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt ngày 25/1/2018 theo hình thức đối tác công tư; được chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 15/11/2018. Dự án do công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng với tổng công suất xử lý rác 240 tấn/ngày, gồm 2 modul xử lý rác với công suất khoảng 5 tấn/giờ/modul và các hạng mục kèm khác.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trí Thanh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc người dân cản trở đối với lò đốt rác công nghệ tuần hoàn ở tại vị trí xa khu dân cư như thế này là rất mơ hồ, tâm lý đám đông, gây phức tạp không cần thiết. Lãnh đạo địa phương tỉnh Quảng Nam đã có những đối thoại với người dân và sẽ tiếp tục đối thoại trong thời gian tới để người dân hiểu hơn về công nghệ đốt rác của dự án và tạo sự đồng thuận.
Cũng theo ông Lê Trí Thanh, công nghệ đốt hiện nay dù chưa phải tuyệt đối an toàn trong xử lý rác thải, nhưng chắc chắn tốt hơn rất nhiều so với chôn lấp.
Tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, việc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng bày tỏ lo ngại nguồn nước thải của lò đốt rác Đại Nghĩa sẽ gây ô nhiễm đầu nguồn nước Đà Nẵng cũng là một phần nguyên nhân khiến người dân địa phương lo ngại theo và cản trở thi công.
Trước quan ngại của Công ty cấp nước Đà Nẵng, Sở TN-MT Đà Nẵng đã đi kiểm tra thực tế, làm việc với các ngành và địa phương của tỉnh Quảng Nam. Qua đó, đã có báo cáo số 484/BC-STNMT ngày 25-6-2019 gửi UBND TP Đà Nẵng nêu rõ Lò đốt rác Đại Nghĩa không ảnh hưởng đến nguồn nước Đà Nẵng.
Đối với Khu chôn lấp rác thải Tam Xuân 2, ông Lê Trí Thanh cho biết, việc người dân ngăn cản vừa qua là do thời tiết thay đổi đột ngột từ nắng nóng kéo dài sang xuất hiện đợt mưa lớn, trong khi việc xử lý hóa chất khử mùi còn chủ quan nên xuất hiện mùi hôi.
Hiện nay, công ty đang khắc phục bằng cách tăng cường bơm khử mùi và căng tấm bạt lớn để che phủ toàn bộ khu vực rác đã chôn lấp sau khi bơm hóa chất khử mùi. Về cơ bản đã ổn, tuy nhiên người dân còn phản đối cũng là do tâm lý.
Ngọc Linh (t/h)