Quảng Nam: Nhiều trở ngại trong công tác quản lý khoáng sản

Nguyễn Trần|07/08/2017 04:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sau 6 năm Luật Khoáng sản có hiệu lực, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản. Tuy nhiên, khó khăn nhất là ở những nơi chưa quy hoạch và cấp phép khai thác.

Khai thác khoáng sản trái phép vẫn tái diễn ở xã Tam Lãnh (Phú Ninh). Ảnh: T.N

Đánh giá về thực thi Luật Khoáng sản năm 2010, theo UBND tỉnh, những quy định đã tạo ra hành lang, chính sách mới về khoáng sản theo hướng chặt chẽ, minh bạch, quản lý được nguồn tài nguyên trên bình diện cho quốc gia. Thế nhưng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản còn chồng chéo, chưa đồng bộ, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.

Giai đoạn 2011 – 2015, UBND tỉnh cấp, ban hành 259 giấy phép, quyết định hoạt động khoáng sản, phê duyệt trữ lượng. Trong đó 78 giấy phép thăm dò; 69 quyết định phê duyệt trữ lượng; 95 giấy phép khai thác khoáng sản. Ông Bùi Văn Ba – Trưởng phòng Khoáng sản (thuộc Sở Tài nguyên – môi trường) cho biết, Luật Khoáng sản quy định rõ hơn về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, địa phương nơi có mỏ được Nhà nước điều tiết một phần khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, quy định rõ hơn đấu giá quyền khai thác nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Thời gian qua ở miền núi tồn tại dai dẳng nhiều điểm khai thác khoáng sản trái phép. Nổi lên là các điểm khai thác thuộc xã Đăk Pring, Đăk Pre, Ta Bhing (Nam Giang); Quế Lâm (Nông Sơn); các xã Tư, A Ting (Đông Giang); Trà Vân, Trà Mai, Trà Leng (Nam Trà My); Tam Lãnh (Phú Ninh). Nóng bỏng nhất là xuất hiện tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông Vu Gia, Thu Bồn… đến mức báo động. Nguyên nhân của tình trạng này là chế tài xử phạt, kỷ cương kỷ luật chưa được thực thi đến nơi đến chốn. Một số nơi, chính quyền còn “thỏa thuận ngầm” cho đối tượng khai thác khoáng sản trái phép để có chi phí đầu tư cho địa phương. Việc tạm giữ phương tiện, máy móc thiết bị khai thác trái phép gặp khó khăn do địa hình rừng núi xa xôi, đôi khi chi phí vận chuyển về nơi tạm giữ còn tốn kém hơn tài sản đem về. Trong khi đó, pháp luật hiện hành không cho phép phá hủy tài sản sử dụng vào hoạt động khai thác trái phép. Theo ông Ba, Quảng Nam là một trong những “điểm nóng” của tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.  Nguyên nhân nguồn tài nguyên đa dạng, nằm rải rác các nơi, đặc biệt tập trung chủ yếu là mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn. Hiện mỏ vàng Bồng Miêu đã ngừng hoạt động nhưng do quản lý lỏng lẻo nên nơi đây trở thành tụ điểm tận thu vàng trái phép, đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm. “Khi đơn vị có hồ sơ đóng cửa mỏ, số diện tích trên sẽ bàn giao về lại cho địa phương quản lý, lúc đó địa phương có trách nhiệm quản lý chặt chẽ và cương quyết hơn” – ông Ba nói.

Khó khăn trong kiểm soát tài nguyên là địa bàn miền núi rộng, chưa có cán bộ chuyên trách theo dõi về lĩnh vực khoáng sản cấp xã, thị trấn; lực lượng chức năng chưa phối hợp nhịp nhàng. Thêm vào đó, một số địa phương thỏa thuận với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép để thu ngân sách, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Nhiều doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về khoáng sản. Thất thoát lãng phí tài nguyên còn ở các khu vực phân tán nhỏ lẻ nhưng chưa phê duyệt là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chưa thực hiện quy trình tiếp nhận, thẩm định cấp phép thăm dò ở khu vực khoáng sản đấu giá theo Nghị định 15 của Chính phủ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn đề xuất, thời gian tới, tỉnh đề nghị sửa đổi, bổ sung điều khoản mức xử phạt đối với vi phạm hành chính khai thác khoáng sản vàng, đá quý, bạc, khoáng sản độc hại. Mức xử phạt từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là chưa hợp lý, bởi thực tế, mức phạt này không khả thi đối với các đối tượng khai thác nhỏ lẻ, sử dụng công cụ thô sơ.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Quảng Nam, sau 6 năm thực hiện Luật Khoáng sản, lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương tổ chức hơn 2.066 đợt kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi hơn 3.373 đối tượng; tịch thu, phá, tiêu hủy 2.492 lán trại, 2.205 máy nổ; di chuyển 82 tàu cuốc, 51 giàn tuyển, 37 băng chuyền, 453 xe múc, 12 xe tải, 15 ghe máy. Ngoài ra, xử lý 2.033 vụ, khởi tố điều tra 20 vụ, 40 bị can về tội “vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền hơn 33 tỷ đồng…

Nguyễn Trần

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Nhiều trở ngại trong công tác quản lý khoáng sản