Quảng Nam: Tăng cường hơn nữa công tác tái tạo bờ biển Cửa Đại

Vũ Thành|05/08/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Dù đã thu được một số tín hiệu tích cực về sự bồi đắp ở bờ biển Cửa Đại nhưng thời gian tới, Quảng Nam cần tiếp tục khẩn trương triển khai các dự án tái tạo bền vững bờ biển này.

Những năm qua, tình hình xâm thực biển Hội An ngày càng diễn biến nhanh, tăng mức độ theo từng năm. Từ năm 2013 đến nay, biển đã xâm thực và lan rộng 5 - 6km về phía tây bắc và vào sâu đất liền có nơi hơn 60m.

Trên toàn tuyến biển Hội An đã có 10 công trình bảo vệ bờ biển từ nguồn ngân sách nhà nước và 7 công trình bảo vệ bờ biển do doanh nghiệp thực hiện. Qua khảo sát, chỉ có kè mái nghiêng bằng cấu kiện bê tông hoặc cừ bê tông, chân khay bằng ống buy, gia cố đá hộc chân từ năm 2014 cơ bản ổn định, còn các giải pháp khác đều hư hỏng, sụt lún và biển vẫn xâm thực mạnh.

tai-tao-bien-hoi-an.jpg
Xâm thực, sạt lở bờ biển ở Hội An vẫn diễn biến nghiêm trọng trong thời gian qua

Tại buổi làm việc với Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi đoàn kiểm tra tiến hành khảo sát biển Cửa Đại mới đây, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, do chưa có giải pháp tổng thể, kinh phí hạn hẹp dẫn đến việc thực hiện chống sạt lở biển Cửa Đại bằng quá nhiều giải pháp.

Bên cạnh đó, việc đầu tư chắp vá, thử nghiệm, không đồng bộ dẫn đến tốc độ sạt lở ngày càng lan nhanh về phía tây bắc, đồng thời ăn sâu vào đất liền, nhất là những khu vực chưa được kè bảo vệ.

Hiện nay còn 3 dự án chống xói lở biển Cửa Đại với nguồn kinh phí lớn chưa được triển khai. Trong đó, dự án chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An với tổng mức đầu tư 42 triệu euro dự kiến thực hiện từ năm 2024 được kỳ vọng sẽ tái tạo bền vững bờ biển Hội An.

Ngoài các dự án sẽ triển khai trên, các chuyên gia còn có một số đề xuất để “giải cứu” biển Cửa Đại, như: kè mềm tạm thời nhằm giữ bờ, hạn chế sạt lở trong mùa mưa bão với chiều dài khoảng 1,5km; bơm cát tái tạo bờ bãi kết hợp kè mỏ hàn vuông góc với bờ biển…

Phương án bơm cát được kỳ vọng đạt 2 mục tiêu tái tạo bờ và bãi nhanh, đồng thời khơi thông luồng tuyến tàu bè ra vào Cửa Đại. Dù vậy, theo ông Nguyễn Thế Hùng, cần đánh giá kỹ trữ lượng cát tại “đảo cát” ở Cửa Đại và đánh giá tác động môi trường nếu sử dụng nguồn cát này đến khu vực bờ biển phía nam và cả Cù Lao Chàm cũng như khu vực hạ lưu sông Thu Bồn.

Ngoài ra, nếu “đảo cát” không được bồi hằng năm thì sẽ không còn nguồn cát dự trữ định kỳ bơm tái tạo, duy trì bãi. Vì vậy rất cần các đánh giá, khảo sát tổng thể, kỹ lưỡng hơn từ các chuyên gia.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Nam: Tăng cường hơn nữa công tác tái tạo bờ biển Cửa Đại
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.