Quảng Nam: Thủy điện Sông Bung 2 được tích nước trở lại sau 2 năm sự cố

Hà Linh (T/h)|14/11/2018 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 14/11, theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã cho phép thủy điện Sông Bung 2 tích nước. Tuy nhiên, do đây là thủy điện từng để xảy ra sự cố võ hầm dẫn dòng khiến 1 người tử vong, 1 người mất tích cách đây 2 năm nên ông Toàn chỉ đạo khá kĩ liên quan đến việc tích nước.

– Thủy điện Sông Bung 2 từng là nơi xảy ra sự cố vỡ hầm dẫn dòng khiến 1 người tử vong, 1 người mất tích, gây thiệt hại kinh tế gần 40 tỷ đồng vào tháng 9/2016.

>>> Cần đảm bảo nguồn nước cấp cho hạ du trong mùa cạn năm 2019

>>> Đà Nẵng: Đề nghị xem xét trách nhiệm việc để thiếu nước sạch

Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ảnh Người đưa tin

Theo đó, ông Toàn đề nghị, Tổng công ty Phát điện 2, Genco2, phải thực hiện, chỉ đạo Ban Quản lý Dự án thủy điện Sông Bung 2 và Công ty Thủy điện Sông Bung xây dựng kế hoạch hạ các cửa van cung để tích nước trở lại hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 đến mực nước dâng bình thường. Sau đó, đơn vị này phải báo cáo các cơ quan chức năng, thông báo đến tất cả nhân dân và kế hoạch, thời gian tích nước trở để chủ động ứng phó trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài ra, chủ đầu tư phải khắc phục các tồn tại của dự án nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối công trình vùng hạ du đập. Đồng thời, việc quan trắc, theo dõi tình trạng hạ tầng các hạng mục thủy điện phải được thực hiện thường xuyên. Quản lý vận hành thủy điện Sông Bung 2 tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa theo quy định của Chính phủ.

Phía Genco2 phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo các quy định của pháp luật và các phương án phòng chống lụt, bão, ứng phó thiên tai, ứng phó tình huống khẩn cấp đã được phê duyệt. Các đơn vị tuyên truyền phổ biến phương án ứng phó tình huống khẩn cấp cho nhân dân vùng hạ du chịu ảnh hưởng đến chủ động trong công tác ứng phó thiên tai.

Ông Toàn nhấn mạnh, hồ chứa thủy điện này phải được thực hiện vận hành công trình theo đúng quy trình vận hành được duyệt, đảm bảo duy trì dòng nước tối thiểu với lưu lượng xả thường xuyên sau đập không nhỏ hơn 1,0m3/s,

Vị Phó chủ tịch tỉnh đề nghị: “Đơn vị phải cung cấp địa chỉ truy cập hệ thống camera giám sát, vận hành thủy điện Sông Bung 2 đến Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Nam Giang và các sở, ngành địa phương, đơn vị liên quan để theo dõi, chỉ đạo”.

Đặc biệt, ông Toàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định liên quan Thủy điện Sông Bung 2, đồng thời báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.

Trước đó, ngày 13/9/2016, thủy điện Sông Bung 2 xảy ra sự cố bục cửa van số 2, vỡ hầm dẫn dòng khiến 1 công nhân tử vong và 1 công nhân mất tích. Sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu dân cư ở làng Pà Oai, xã La Ê, huyện Nam Giang. Thiệt hại ước chừng 40 tỷ đồng.

Sau sự cố, bộ Công Thương đã thành lập tổ điều tra nguyên nhân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Chính phủ kết luận nguyên nhân sự cố. Phía chủ đầu tư đã xử lý, khắc phục sự cố nhằm đảm bảo an toàn các hạng mục. Vào tháng 8/2018, sở Công Thương tỉnh Quảng Nam chủ trì kiểm tra, thống nhất công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.

Ông Mạc Vĩnh Châu, Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng, sở Công Thương tỉnh Quảng Nam xác nhận, sau sự cố, bộ Công Thương đã chỉ đạo một đơn vị độc lập đánh giá lại toàn bộ thủy điện. Theo kết quả, tất cả các hạng mục của thủy điện đều trong trạng thái bình thường, đảm bảo an toàn. Ông này khẳng định, theo đánh giá chung, các kết quả quan trắc đều nằm trong mức cho phép, đảm bảo việc tích nước, các đánh giá an toàn của công trình đều đảm bảo.

Hà Linh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Nam: Thủy điện Sông Bung 2 được tích nước trở lại sau 2 năm sự cố
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.