Từ tháng 9 hàng năm, tỉnh Quảng Nam bắt đầu bước vào mùa mưa bão, cùng với đó đó là hiện tượng ngập lụt xảy ra ở nhiều nơi. Do đó, việc điều tiết các hồ chứa thủy lợi, thủy điện làm sao để cắt giảm lũ về hạ du, tránh những thiệt hại nặng về người và tài sản là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm điều hành, dự báo chính xác các rủi ro thiên tai sẽ giúp cho công tác phòng chống thêm phần hiệu quả. Thực tế những năm qua cho thấy, tỉnh Quảng Nam đã áp dụng một số ứng dụng công nghệ tương đối tốt, tạo sự kết nối giữa cơ quan quản lý, đơn vị điều hành và cộng đồng.
Quảng Nam có nhiều công trình thủy lợi, thủy điện lớn có ảnh hưởng đến vùng hạ du. Ảnh: L.K
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Nam, vào trước mùa mưa bão, chỉ đạo chung của tỉnh này là phải tập trung kiểm tra tất cả các hệ thống công trình liên quan đến thiên tai. Trong đó đặc biệt là kiểm tra các công trình phòng chống thiên tai, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, hệ thống đê điều. Nếu có dấu hiện không đảm bảo an toàn thì phải đề xuất phương án xử lý.
Theo đó, Sở NN-PTNT sẽ phụ trách 2 mảng gồm kiểm tra an toàn đập, hồ chứa và đê điều; Sở Công thương phụ trách kiểm tra hồ chứa thủy điện. Đối với các địa phương sẽ kiểm tra hết các công trình xây dựng trên địa bàn và đặc biệt là tổng hợp phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai hàng năm.
Ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng chống thiên tai riêng đối với các hồ chứa thủy điện ở Quảng Nam đó là việc kết nối trực tuyến.
Theo đó, Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh sẽ theo dõi, giám sát được quá trình vận hành của các hồ chứa bằng hệ thống camera và bằng web. Các thủy điện sẽ cập nhật kết quả vận hành liên tục lên trang web của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh. Từ đó sẽ nắm được số liệu, hình ảnh vận hành nhằm có những chỉ đạo phù hợp.
“Bên cạnh đó, từ năm 2020, trong vấn đề điều hành lũ thì Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã họp trực tuyến được với các thủy điện. Trong đó chủ yếu là 4 thủy điện có dung tích tích trữ lớn, trên 500 triệu m3 ảnh hưởng đến vùng hạ du mùa mưa lũ cũng như mùa khô gồm Thủy điện Sông Tranh 2, Thủy điện Sông Bung 4, Thủy điện Đắk Mi 4 và Thủy điện A Vương.
Các thủy điện này được tăng cường giám sát 24/24h trong mùa mưa lũ bằng các công nghệ đã được sử dụng như theo dõi, giám sát trực tiếp qua camera; họp trực tuyến. Còn cộng đồng sẽ nắm được các thông tin qua web phòng chống thiên tai tỉnh. Trong thời điểm bình thường, mỗi ngày trang web sẽ cập nhật 1 lần vào 7 giờ sáng. Khi có thiên tai mà cần phải điều tiết vận hành các tràn xả lũ thì quy định 30 phút cập nhật 1 lần. Nếu phức tạp sẽ cập nhật liên tục, 15 phút 1 lần”, ông Tý cho biết.
Ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đang xây dựng App phòng chống thiên tai và phầm mềm sơ tán dân để nâng cao hiệu quả trong công tác ứng phó mưa, lũ. Ảnh: L.K
Ngoài 2 hoạt đột trên, người dân ở những vùng thường xuyên ngập lụt cũng được cảnh báo bằng tin nhắn. Đến thời điểm hiện nay, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã nắm được toàn bộ các thuê bao ở những vùng thường xuyên bị ngập lụt trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn để nhắn tin cảnh báo khi có nguy cơ.
Điểm nữa là Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh sẽ soạn 1 tin nhắn cảnh báo ngập lụt, sau đó thông qua Sở Thông tin Truyền thông gửi cho tất cả nhà mạng có mặt ở Quảng Nam. Ngoài ra qua zalo, đơn vị chức năng sẽ cung cấp thông tin về danh sách các số điện thoại khẩn cấp để người dân phản ánh.
Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, để công tác ứng phó ngày càng hiệu quả hơn nữa, tỉnh này đang xây dựng một App phòng chống thiên tai và phần mềm sơ tán dân. Người dân có thể chủ động tải các chương trình này về điện thoại thông minh qua đó nắm được tất cả những thông tin cảnh báo.
App phòng chống thiên tai như một tài liệu hướng dẫn cho người dân, hỗ trợ về mặt kỹ thuật ví dụ như mưa, bão sẽ ứng phó như thế nào từ giai đoạn chuẩn bị, ứng phó cho đến khắc phục đối với từng loại hình thiên tai. Bên cạnh đó, app sẽ cung cấp tất cả các bản đồ về thiên tai như bản đồ ngập lụt theo cấp báo động, bản đồ ứng phó với bão mạnh, siêu bão, bản đồ ứng phó với sóng thần… cũng như những thông tin về lượng mưa, những bản tin mới nhất về chỉ đạo phòng chống thiên tai.
“Về phầm mềm sơ tán dân thì trên phầm mềm này sẽ đưa ra 1 bản đồ ngập lụt. Bản đồ sẽ thể hiện được những nơi cần sơ tán, vị trí sơ tán khi có nguy cơ ngập lụt ở các cấp báo động. Từ cấp xã sẽ nắm thông tin về tình hình sơ tán sau đó đưa lên phần mềm để cấp huyện, tỉnh nắm được 1 cách nhanh chóng và chính xác nhất”, Phó giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, ông Trương Xuân Tý thông tin.
Hoàng Anh