Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, đến nay trên địa bàn có 57 giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực và 28 trường hợp đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
Từ năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt kế hoạch và tổ chức đấu giá đối với các khu vực thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Sở TN&MT đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện công tác đấu giá, hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ đất đai liên quan đến thực hiện dự án khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của UBND tỉnh.
Thời gian qua, đã có 8 địa phương tổ chức đấu giá tổng cộng 23 khu vực (21 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và 2 khu vực khoáng sản vàng phân tán nhỏ lẻ).
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang khan hiếm. Đặc biệt là đất san lấp, xây dựng công trình ở các địa phương vùng đồng bằng và cát, đá xây dựng ở các huyện miền núi.
Để đáp ứng kịp thời vật liệu phục vụ thi công xây dựng các công trình xây dựng và nguồn nguyên liệu phục vụ các nhà máy sản xuất gạch tuynel đã đầu tư trên địa bàn tỉnh, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã tập trung thực hiện tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.
Đồng thời, khẩn trương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 37 điểm mỏ khoáng sản (trong đó có 35 điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường) đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất và UBND tỉnh phê duyệt danh mục dự án đầu tư, giao cho các địa phương tổ chức đấu giá.
Theo thông tin, hiện nay, mới có 2 huyện là Thăng Bình, Quế Sơn gửi văn bản đề nghị bổ sung danh mục đầu tư và đấu giá quyền khai thác khoáng sản . Đối với các huyện, thị xã còn lại phải khẩn trương khảo sát, lựa chọn các điểm mỏ vật liệu đã có trong Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản được phê duyệt, có điều kiện khai thác thuận lợi và đảm bảo các yêu cầu về môi trường, cách xa khu vực dân cư, không gây xói lở bờ sông, đất canh tác… có văn bản đề xuất, gửi về Sở TN&MT trước ngày 31/12/2022.
Đồng thời, UBND các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đề xuất loại bỏ các điểm mỏ không còn phù hợp, các điểm mỏ đã khai thác xong và đề xuất bổ sung các điểm mỏ khoáng sản mới phù hợp vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030 (không phải chờ có dự án đầu tư mới xác định nhu cầu nguyên, vật liệu để đề xuất bổ sung).
“Các địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu chậm trễ hoặc không có văn bản đề xuất bổ sung quy hoạch, bổ sung danh mục dự án đề nghị đấu giá quyền khai thác đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, để xảy ra thiếu hụt nguồn vật liệu phục vụ thi công, làm đội giá xây dựng các công trình, dự án do mình quản lý”, ông Trần Văn Tân nhấn mạnh.
Ngoài ra, các Ban Quản lý dự án đầu tư của tỉnh và các địa phương phải chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã khảo sát, xác định các khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đảm bảo yêu cầu về chất lượng, có điều kiện khai thác thuận lợi và đảm bảo các điều kiện về môi trường, cách xa khu dân cư…