Quảng Ngãi: Khẩn trương sơ tán dân vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất

Quỳnh Mai|01/12/2020 04:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước diễn biến xấu của thời tiết, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó mưa, lũ và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông nên từ ngày 28/11 đến ngày 01/12/2020, khu vực tỉnh Quảng Ngãi có khả năng xảy ra đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến khoảng 200-400mm, có nơi trên 400mm.

Trước dự báo này, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó mưa, lũ và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, các địa phương khẩn trương tổ chức các Đoàn kiểm tra, rà soát các điểm dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân, thi công công trình ở những khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, vùng ngập sâu và xây dựng kịch bản ứng phó cụ thể, phân công trách nhiệm người đứng đầu để chỉ huy, chỉ đạo di dời.

Chỉ đạo rà soát toàn bộ công nhân, cán bộ kỹ thuật tại các công trình xây dựng trên địa bàn, các nhà máy, xí nghiệp, công xưởng nhất là tại các vị trí xung yếu để di chuyển đến nơi an toàn; trường hợp không chấp hành thì phải kiên quyết cưỡng chế và phải xử lý các đơn vị chủ quản theo quy định.

Ảnh minh họa

Kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.

Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; vùng trũng thấp tại các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi; đồng thời, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho các hộ dân tại nơi di dời, sơ tán đến, không để người dân nào bị đói, rét; đối với trường hợp không chấp hành lệnh di dời, sơ tán thì thực hiện cưỡng chế; tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người; cắm biển cảnh báo nguy hiểm và bố trí lực lượng canh gác trên các tuyến đường giao thông có nguy cơ bị sạt lở đất, ngập sâu để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.

Tăng cường công tác thông tin về mưa, lũ và các biện pháp phòng, tránh lũ, sạt lở đất đến từng khu dân cư để người dân chủ động thực hiện; sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tổ chức ứng phó thiên tai theo Phương án đã được phê duyệt.

Tổ chức kiểm tra việc vận hành các hồ chứa, đặc biệt là các hồ thủy điện nhỏ để bảo đảm an toàn đập và vùng hạ du.

Chỉ đạo các đơn vị đảm bảo giao thông sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời giải tỏa ách tắc giao thông khi cần thiết.

Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh phù hợp đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…

Quỳnh Mai

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Khẩn trương sơ tán dân vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất