Ngư dân địa phương thường gọi con nhum với tên gọi khác là cầu gai hay nhím biển. Bên ngoài tua tủa gai nhưng trong thân lại là lớp thịt vàng ươm, gồm 12 múi cả trứng và thịt.
Nhum biển là loại hải sản có giá trị cao
Từ khi Lý Sơn trở thành khu du lịch, thì nhum với ưu điểm bổ dưỡng cao và ngon miệng đã trở thành đặc sản được nhiều người ưa thích. Những ngày này, trời êm, biển lặng cũng chính là thời điểm vào vụ mùa khai thác nhum biển. Vì vậy, từ 8h đến 16h hằng ngày, khu vực các gành đá gần bờ vùng biển Lý Sơn có rất đông ngư dân hành nghề lặn săn nhum biển.
Ngư dân Lê Văn Chính (đảo Bé, Lý Sơn) cho biết: Vùng biển Sa Huỳnh có 4 loại nhum: Nhum đen, nhum giang, nhum bạc và nhum bắn. Thu nhập cao, nhưng chỉ dành cho trai tráng và những người có sức khỏe. Bởi với những thợ săn nhum cả ngày cứ ngụp lặn dưới nước, bám vào ghềnh đá tìm nhum. Nhiều lúc nước đục, bắt phải nhum bắn gai làm tê buốt cả cánh tay, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Giờ là mùa săn nhum biển bán cho các nhà hàng, tiểu thương nên thu nhập cũng khá hơn so với đi biển bình thường. Mỗi ngày hai vợ chồng ông Chính cố gắng cũng được từ 400-600.000 đồng. Bữa nào may mắn thì có thể thu được cả triệu bạc.
Vào mùa săn nhum biển
Dụng cụ để săn nhum biển khá đơn giản. Bộ đồ nghề chỉ vẻn vẹn có một đoạn sắt to cỡ nửa ngón tay út, dài từ 0,4-0,6m với một đầu được bẻ cong như lưỡi câu và đầu kia cắm vào cán gỗ, giỏ đựng buộc xốp xung quanh cho nổi trên mặt nước và kính lặn là có thể hành nghề. Ngư dân bắt đầu một ngày làm việc từ 8h sáng, nghỉ trưa trên ghe sau đó tiếp tục làm việc đến chiều mới trở về nhà.
Trong khi thực khách xuýt xoa khen ngợi các món ăn được chế biến từ nhum ở các nhà hàng ven biển sang trọng thì cách đấy không xa, nhiều bóng người cứ ẩn hiện sau những con sóng lặn bắt từng con nhum bám vào ghềnh đá ven bờ biển. Cơ thể họ tím tái vì ngâm lâu trong làn nước lạnh.
Vợ chồng ngư dân Lê Văn Chính sau khi lặn bắt nhum biển
Thông thường giá mua nhum thịt sau khi tách bỏ vỏ từ 250.000–350.000 đồng/ kg, đã mang về cho những ngư dân đi săn bắt hải sản này từ 400-600.000 đồng. Thậm chí, những ngày may mắn, mỗi người có thể bắt được cả nghìn con.
Từ khi trở thành đặc sản, nhum biển ngày càng có giá và được người dân sinh sống ven biển quan tâm khai thác để bán. Chính vì vậy lượng nhum biển ngày càng vơi dần và có nguy cơ bị cạn kiệt. Thực tế này đòi hỏi việc khai thác cần đi đôi với bảo vệ giúp phát triển kinh tế của ngư dân được bền vững, lâu dài.
Minh Ngọc