Ông Nguyễn Văn Tiến (50 tuổi), trưởng thôn Thanh Thủy nói rằng khoảng 10 năm trước, nước biển cách làng khoảng 50m, nhưng bây giờ đã áp sát nhà dân. Mưa bão những ngày qua, sóng biển còn dâng cao uy hiếp nhà cửa của người dân, các hộ trong thôn buộc phải di dời đi nơi khác để đảm bảo an toàn tính mạng.
Sau đợt mưa bão vừa qua, biển chỉ còn cách nhà dân khoảng 5m. Ảnh Báo Quảng Ngãi
“Mỗi lần mưa bão, mọi người đều phải vừa di dời tránh bão, vừa nơm nớp lo nhà cửa cả đời chắt bóp xây nên ở lại bị sóng biển đánh tan lúc nào không hay. Bây giờ chúng tôi mong sao nhà nước đầu tư làm kè để bảo vệ dân, chứ cứ thế nay thì nguy hiểm quá”, ông Đỗ Tấn Trình chia sẻ.
Cách thôn Thanh Thủy không xa, tình trạng biển xâm thực cũng đã và đang đe dọa trực tiếp đến nơi ở của nhiều hộ dân thôn Phước Thiện, bởi nhiều điểm nhà dân nằm cách biển chỉ khoảng 5m. Bà Nguyễn Thị Hải, (65 tuổi) buồn bã cho biết: “Cách đây hơn 1 tháng biển có cách nhà tôi đến gần 10m, nhưng chỉ qua mấy ngày bão lũ trong tháng 10, sóng biển đã ăn vô tận nhà. Cả đời sinh ra và lớn lên ở đây, chưa khi nào tôi thấy sóng biển dữ dội nuốt trôi hàng chục mét vuông bờ biển một cách chóng vách như đợt này. Nếu không có biện pháp bảo vệ bơ thì nhiều ngôi nhà khả năng bị xóa sổ trong nay mai”.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Phạm Cầu, thừa nhận bờ biển địa phận 3 thôn Phước Thiện, An Cường và Thanh Thủy bị sạt lở từ nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng.
Khoảng 5 năm gần đây, biển đã lấn sâu vào đất liền khoảng 30m. Hiện nay, có khoảng 200 hộ dân ở 3 thôn nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở nghiêm trọng, sóng biển đe dọa trực tiếp đến nơi ở của các hộ dân nên cần được di dời đến nơi ở mới. Qua cơn bão năm nay, chúng tôi cũng đề xuất lên các cấp có chính sách để cấp đất bên trong cho người xây nhà sinh sống”, ông Cầu nói.
Tương tự, nhiều hộ dân ở khu vực bờ bắc Cửa Đại (thuộc khu dân cư thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) vô cùng lo lắng trước tình trạng biển xâm thực mạnh vào đất liền. Một số ngôi nhà cùng nhiều tài sản của họ đã bị nước biển đánh sập, cuốn đi.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Sơn Phạm Hồng Nguyên, cho biết, thời gian qua UBND huyện đã đi kiểm tra thực tế để lên phương án. Tuy nhiên, do ngân sách huyện hạn hẹp không thể bố trí kinh phí xây dựng bờ kè chắn sóng nên huyện vẫn chưa có phương án gì ngoài khuyến khích bà con khu vực này trồng cây phi lao chắn sóng ven biển và sẵng sàng sơ tán để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. “Mới đây, chúng tôi đã đề xuất lên UBND tỉnh có phương án xin kinh phí từ Trung ương để làm bờ kè các đoạn xung yếu nhất, đặc biệt nơi có các hộ dân đang sinh sống”, ông Nguyên nói.
Minh Châu (t/h)