– Nước thải bốc mùi hôi thối ồ ạt chảy xuống xuống vịnh Việt Thanh huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sự sống của các loài thủy sinh gần bờ, ảnh hưởng đến sinh kế người dân địa phương.
>>> Giải pháp hữu hiệu: Tái sử dụng nước thải để bảo vệ tài nguyên nước
>>> Độc đáo quán cà phê thiết kế từ 3 000 chai nhựa giữa lòng phố thị
Ảnh minh họa
Theo quan sát, tại một đỉnh núi nhỏ thuộc thôn Phước Thiện đang có nhiều hồ nuôi tôm “án ngữ”. Cùng với đó là la liệt đường ống nối thẳng xuống biển để lấy nước cung cấp cho hồ. Đồng thời, những ống xả nước thải từ các hồ này với vô số bao ni lông, rác vướng đầy miệng ống, rỉ ra dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Nước thải từ các hồ tôm liên tục xả thẳng xuống biển khiến nguồn thủy sản ven bờ nơi đây ngày càng suy giảm, cạn kiệt. Ông Nhan Văn Đồng (ngụ xã Bình Trị) cho biết lúc trước vùng biển nơi tôm, cá sinh sống nhiều. Những năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm xả nước thải có hóa chất xử lý hồ, cặn bã thức ăn, phân tôm… chảy trực tiếp xuống biển gây ô nhiễm môi trường.
Anh Dương Văn Quý, người dân xã Bình Hải chia sẻ, trung bình cứ hai đến ba ngày, các hộ nuôi tôm trên địa bàn lại xả nước thải ra một lần. Những loại thức ăn, tạp chất cho tôm theo dòng nước chảy tràn xuống tận vùng biển gần bờ. Thường xuyên giăng lưới đánh cá ở khu vực này, anh Dương Văn Quý nhận thấy, trước đây hải sản khu vực này còn nhiều, giờ thì đã dần cạn kiệt.
“Một hồ nuôi tôm chứa hàng chục mét khối nước khi thải ra môi trường biển sẽ gây ô nhiễm rất nặng. Nếu tình trạng này kéo dài, chúng tôi sẽ không còn chốn mưu sinh nữa. Rất mong chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý”, ông Nhan Đông, một người dân xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, bức xúc cho biết.
Ông Võ Văn Phấn, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hải cho hay, trước đó, vào năm 2014, nhiều người dân nơi đây đã phản đối các hộ nuôi tôm tự phát xả thải ra vùng biển Dung Quất. Chính quyền xã cũng đình chỉ 4 hộ nuôi khi kiểm tra, phát hiện các hộ này đã vi phạm với việc xây dựng bờ bao sơ sài, gây nguy cơ đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân sống dưới chân núi, nhất là mùa mưa bão, lượng nước chứa lớn.
Đến thời điểm hiện tại, còn khoảng 7 hộ vẫn tiếp tục nuôi tôm biển. Được biết, vùng biển thôn Phước Thiện là một trong những khu vực đẹp nhất của huyện Bình Sơn, có tiềm năng để phát triển mạnh về du lịch.
Riêng vấn đề xả thải từ các hồ nuôi tôm trực tiếp ra biển, chính quyền cũng nhiều lần nhắc nhở bà con làm bể lắng sinh học, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường biển nhưng “đâu lại vào đó”.
Ngọc Linh (t/h)