Quảng Ninh: Chủ động các biện pháp chống nóng cho tôm nuôi

Minh Kiên|19/06/2021 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Những ngày gần đây nắng nóng xảy ra trên diện rộng, nhiệt độ trung bình có nơi lên đến 39-40oC, ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp. Quạt nước, sục khí, bổ sung khoáng chất, che bạt ao nuôi… là những biện pháp mà nông dân đang tăng cường thực hiện để chống nóng cho tôm, đảm bảo mùa vụ thành công.

Cụ thể đối với cây trồng, lúa xuân sớm đang vào mùa chín rộ, đây cũng là thời điểm dễ bùng phát sâu bệnh cuối vụ, trong khi đó dưới thời tiết nắng nóng, cây trồng bị mất nước, héo lá, cháy lá, giảm sức đề kháng nên khả năng nhiễm bệnh cao hơn. Theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh bà con nông dân nên thực hiện theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, khẩn trương thu hoạch và nên thu hoạch vào thời điểm trời mát nhất trong ngày (sáng sớm hoặc chiều tối).

Các ao nuôi tôm đã được đầu tư bạt phủ đáy và hệ thống quạt nước rất quy mô, nhưng người dân chưa an tâm việc chống nóng cho tôm.

Đối với vật nuôi, thời điểm này các hộ nuôi trồng thuỷ sản đang tập trung vào các đối tượng thuỷ sản nuôi chủ lực là tôm, cá song, cá vược, cá rô phi… trong đó tôm đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Mức nhiệt môi trường sống an toàn của hầu hết các đối tượng thuỷ sản nuôi này khoảng trên dưới 25oC. Với tiết trời nắng nóng lên đến 40oC như vừa qua, nếu không có giải pháp giảm nhiệt sẽ khiến bị sốc nhiệt, giảm khả năng bắt mồi, giảm sức đề kháng dẫn đến nhiễm bệnh, chết. Đặc biệt nắng nóng cũng làm tăng quá trình phân huỷ các chất hữu cơ, thức ăn thừa trong môi trường nuôi, trở thành các khí độc làm cho thuỷ sản nuôi bị ngạt khí, ngộ độc khí.

Một số hộ nuôi tôm trong tỉnh đã đầu tư hệ thống chống nóng bằng các nhà kín khung thép, tấm lợp bằng nhựa trắng hoặc phủ lưới chống nóng. Đây là một trong những biện pháp chống nóng hiệu quả nhất cho tôm, tuy nhiên chi phí lớn, nên không phải hộ nuôi nào cũng thực hiện được.

Vì vậy, nhiều hộ nuôi quy mô nhỏ tiếp tục áp dụng các biện pháp thông thường, đỡ tốn kém hơn, như: Điều chỉnh mực nước trong ao lên 1,2-1,5m; thay nước liên tục và tăng cường quạt nước, nhằm khuấy đảo nước, đảm bảo cân bằng nhiệt độ, độ mặn và ôxy ở lớp nước mặt và lớp nước dưới…

Một số hộ còn thả bèo tây trên mặt ao (khoảng 1/3 diện tích) để làm chỗ trú mát cho tôm. Việc sử dụng những loại thức ăn chất lượng cao, thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào thức ăn cũng rất cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho tôm.

Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể công tác cải tạo ao đầm đối với từng đối tượng nuôi, khung thời vụ nuôi. Khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi diễn biến điều kiện thời tiết, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường, nhằm phát hiện kịp thời những hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp.

Để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho vụ tôm nuôi năm nay, Chi cục Thủy sản khuyến cáo, các hộ nuôi nên tiến hành thả gối, không tập trung xuống giống vào 1 thời điểm để kiểm soát rủi ro tốt hơn. Bên cạnh đó, các hộ nên chủ động dự trữ nguồn nước để kịp thời bổ sung cho các ao nuôi vào những ngày nắng nóng.

Người dân cũng nên tính toán lượng thức ăn hợp lý, tránh dư thừa thức ăn gây lãng phí, ô nhiễm môi trường khu vực nuôi, bổ sung chất khoáng, vitamin, thuốc phòng bệnh vào trong khẩu phần ăn, nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi. Ngoài ra, các hộ nuôi cần khoanh vùng tôm nhiễm bệnh, thu hoạch tôm khỏe để tránh lây lan dịch bệnh. Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh khu vực nuôi, khi thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường báo và báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn để xác định nguyên nhân và kịp thời xử lý.

Minh Kiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Ninh: Chủ động các biện pháp chống nóng cho tôm nuôi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.