Chăn nuôi theo hướng ATSH là áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý, nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại đến con người, gia súc, gia cầm và môi trường nuôi.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp đảm bảo an toàn sinh học ở phường Yên Thanh, TP Uông Bí.
Hiện nay, nhiều hộ, trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh có xu hướng tái đàn, nuôi mới để bù đắp thiếu hụt sản phẩm thịt lợn, đảm bảo nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm, giải quyết việc làm cho người chăn nuôi sau nhiều tháng ngừng sản xuất do dịch bệnh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT, không khuyến khích thực hiện tái đàn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi nằm trong khu dân cư, đã từng có lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy. Các hộ, trang trại, doanh nghiệp muốn tái đàn cần xem xét các điều kiện, như: Không nằm trong khu vực đông dân cư, sau 60 ngày không xuất hiện ca bệnh mới và thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch tiêu hủy, cách ly, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, xử lý môi trường và đặc biệt là đảm bảo các điều kiện về an toàn sinh học…
Trên địa bàn tỉnh, các mô hình chăn nuôi ATSH cũng được quan tâm, qua đó xuất hiện một số mô hình hiệu quả. Điển hình như Công ty CP Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả), đây là đơn vị tiên phong trong chăn nuôi ATSH. Bên cạnh áp dụng KHKT trong chăn nuôi, công ty chú trọng chăn nuôi đảm bảo ATSH. Trong đó, kiểm soát chặt việc phun thuốc khử trùng đối với 100% phương tiện ra, vào trang trại; rắc vôi, phun thuốc chuồng trại hằng tuần, quản lý chăm sóc đàn lợn đực giống, đàn lợn nái sinh sản theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tăng cường quản lý, theo dõi diễn biến tình hình đàn lợn, nhằm phát hiện sớm, báo cáo nhanh khi có dịch bệnh. Cán bộ, nhân viên phải thay đồ bảo hộ trước khi vào trại làm việc; người trả phép phải cách ly nơi làm việc trong 3 ngày; xây dựng khu xuất bán lợn, nhằm hạn chế tối đa các phương tiện vào khu chăn nuôi…
Áp dụng mô hình an toàn sinh học trong chăn nuôi, các hộ phải đảm bảo yêu cầu cụ thể có tính đồng bộ. Trong đó, đặc biệt là giữ đàn vật nuôi trong môi trường được bảo vệ, khu vực chăn nuôi cách xa khu dân cư; hạn chế tối đa người lạ ra vào khu vực chăn nuôi; thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; các hộ chăn nuôi thực hiện chăm sóc và quản lý tốt đàn vật nuôi thông qua việc cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ. Đồng thời, khu vực chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ; phải biết rõ lai lịch, nguồn gốc, tình trạng bệnh dịch của vật nuôi mới nhập; trước khi nhập vật nuôi phải nuôi cách ly theo quy định; kiểm soát thức ăn, vật tư và dụng cụ chăn nuôi đưa vào trại…
Chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi cần thiết nhằm hạn chế có hiệu quả sự xuất hiện của các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Qua đó, lợi ích kinh tế của người chăn nuôi được bảo đảm, góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển ổn định.
Minh Anh