Quảng Ninh thực hiện '3 trước, 4 tại chỗ' trong phòng chống thiên tai

Linh Đan|13/03/2024 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh lên phương án chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, với phương châm '3 trước, 4 tại chỗ'.

Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) là một trong những địa phương thường xuyên phải chịu ảnh hưởng trực tiếp mỗi khi có thiên tai, mưa lũ xảy ra. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết, công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Ngay từ đầu năm, huyện đã yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn, đơn vị chức năng ở địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).

"Các địa phương, đơn vị phải tổ chức kiểm tra, rà soát các điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, sạt lở; chủ động xây dựng phương án ứng phó sát với tình hình thực tế và lên lịch trực chỉ huy, trực ban, trực cơ động, danh sách huy động lực lượng cứu hộ, kèm số điện thoại gửi về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện để chủ động điều hành. Đặc biệt, tại các khu vực trọng điểm phải luôn sẵn sàng vật tư, trang bị, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”, ông Hùng nhấn mạnh.

phong-chong-thien-tai.png
Nhiều bãi thải mỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sạt lở, ngập úng vào mùa mưa. Ảnh: Nguyễn Thành

Cùng với huyện Ba Chẽ, với địa hình trung du và miền núi phức tạp, hệ thống đê điều dài hơn 46km, bị chia cắt bởi sông và suối, trên địa bàn TX Đông Triều luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất và ngập úng.

Với phương châm "3 trước, 4 tại chỗ", các địa phương đảm bảo dự trữ vật tư phòng chống thiên tai từ thị xã đến cơ sở; thông tin, truyền thông tới người dân và đảm bảo việc rà soát, tu bổ các công trình thủy lợi, cống thoát lũ; kiểm tra, rà soát cắt tỉa các cây xanh có nguy cơ bị gãy, đổ trong mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Quang Đán, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Triều cho biết, để làm được điều đó, cần xây dựng lực lượng xung kích cứu hộ đủ mạnh, thực hiện các nhiệm vụ cứu nạn, thường trực, tuần tra, quản lý bảo vệ các công trình phòng chống lụt bão ở từng địa bàn cụ thể.

Tại các bãi thải mỏ ở TP Cẩm Phả, chính quyền địa phương phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc chủ động các biện pháp, kiểm tra, rà soát, lên phương án chống sạt lở, ngập úng cục bộ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, các công trình tại khu vực chân các bãi thải mỏ.

Ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả cho biết, thành phố thực hiện rà soát, kiểm tra các khu vực xung yếu, địa bàn tiềm ẩn những nguy cơ cao có thể xảy ra mất an toàn, bổ sung phương án hiệp đồng trước mùa mưa bão.

Đặc biệt, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra và bảo vệ môi trường sinh thái. Chuẩn bị các điều kiện về vật tư, vật dụng, phương tiện, lực lượng ứng cứu kịp thời khi có mưa bão, lũ lụt xảy ra. Lấy phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" để chỉ đạo và triển khai phòng tránh, ứng cứu, khắc phục hậu quả.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 397km đê, trong đó 33km đê cấp III, 134km đê cấp IV và 230km đê cấp V. Hệ thống đê của tỉnh có khả năng chịu được gió bão cấp 9 kết hợp thủy triều tần suất 10%, đây là mức đảm bảo tương đối cao so với toàn quốc. Trên địa bàn toàn tỉnh có 176 hồ, đập hoạt động cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân; dung tích hữu ích các hồ chứa là trên 315 triệu m3.

Tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn, gồm 5 vùng: Vùng đê Hà Nam, Quảng Yên; vùng dân cư sạt lở, vùng lũ quét; vùng dân cư và tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; vùng đê tả sông Kinh Thầy, Đông Triều; vùng hồ chứa nước Yên Lập.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh thực hiện '3 trước, 4 tại chỗ' trong phòng chống thiên tai