Quảng Trị: Đông Hà nâng cao năng lực ứng phó thiên tai

Hoàng Linh|20/09/2023 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Hằng năm, để ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả.

Cụ thể, TP Đông Hà đã tập trung chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các đơn vị, các phường rà soát, bổ sung hoàn chỉnh phương án PCTT chi tiết, cụ thể, sát đúng với thực tế.

Trong đó, các phường phải nghiên cứu xây dựng phương án di dời dân đảm bảo tính khả thi cao trong mọi tình huống; kiểm tra, rà soát, xác định chính xác những khu vực nguy hiểm, số hộ dân cần phải di dời trong những tình huống khẩn cấp; kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân chủ động, tự giác gia cố nhà cửa, dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm.

ung-pho-thien-tai.jpg
Lực lượng chức năng TP. Đông Hà trong một lần triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn

Lãnh đạo thành phố và Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố tăng cường về cơ sở để kiểm tra tình hình cụ thể và trực tiếp chỉ đạo triển khai các phương án phòng, chống.

Trong đó, chú ý đảm bảo an toàn hồ đập chứa nước, đê kè, cầu cống trên địa bàn như: đập ngăn mặn sông Hiếu, đập Đại Độ 1, kè sông Hiếu, kè sông Thạch Hãn..., các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất như: bờ các sông Hiếu, Thạch Hãn, Vĩnh Phước và các vùng ngập cục bộ khi mưa lớn như: khu vực сáс һẻm ở đường Lê Lợі, đường Trường Chinh, Trường THCS Phan Đình Phùng...

Nhờ làm tốt các nội dung, giải pháp trên, mấy năm qua công tác ứng phó với thiên tai trên địa bàn thành phố được thực hiện hiệu quả.

Trong những ngày đầu tháng 9 và cuối tháng 10/2019, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và các đợt áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh nên ở địa bàn Đông Hà đã có mưa to đến rất to làm ngập cục bộ nhiều hộ gia đình, diện tích lúa, hoa màu, diện tích thủy sản. Mặc dù vậy, thiệt hại đã được hạn chế, hậu quả được khắc phục nhanh chóng.

Năm 2020, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, Đông Hà gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của thiên tai, đặc biệt là 2 trận lũ lụt lớn, vượt qua đỉnh lũ lịch sử năm 1983 là 0,77 m trên diện rộng vào các ngày 6 - 8/10 và ngày 16 - 18/10.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả, qua đó giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước.

Năm 2022, có 4 cơn bão ảnh hưởng đến Đông Hà gồm bão số 2, 4, 5 và 6 và ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh, mưa lớn kéo dài. Dự báo sát tình hình, có kế hoạch cụ thể, từ sớm để ứng phó nên Đông Hà đã hạn chế thấp nhất các thiệt hại do mưa bão gây ra khi không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản khoảng 2,1 tỉ đồng.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, năm 2023 có khoảng 11-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực miền Bắc và miền Trung nước ta, trong đó Quảng Trị có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, từ thực tiễn và kinh nghiệm ứng phó thiên tai những năm trước, TP. Đông Hà đã triển khai nhiều giải pháp.

Chủ tịch UBND TP. Đông Hà Hồ Sỹ Trung cho biết: “Lãnh đạo thành phố yêu cầu các cấp, ngành phải nhận thức sâu sắc phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, chú trọng công tác phòng là chính, không lơ là chủ quan.

Trong đó, tập trung xây dựng phương án PCTT&TKCN đảm bảo sát với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Tổ chức kiểm tra và chỉ đạo gia cố, sửa chữa các công trình kết cấu hạ tầng để đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại.

Kiểm tra, rà soát, xác định chính xác những khu vực nguy hiểm, số hộ dân cần phải di dời trong những tình huống khẩn cấp.

Có phương án cụ thể, chi tiết về huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư, thông tin liên lạc theo phương châm “4 tại chỗ” trong cả 3 giai đoạn phòng tránh, ứng phó và khắc phục...”.

Bám sát chỉ đạo của UBND thành phố, các phường và cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc. Chủ tịch UBND phường Đông Lương Nguyễn Chơn Thử cho hay: Là phường có nhiều khu dân cư ở ven sông và vùng thấp, trũng nên trước mùa mưa bão địa phương coi trọng rà soát, bổ sung hoàn chỉnh phương án PCTT&TKCN chi tiết, cụ thể, sát với thực tế. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.

“Trong ứng phó thiên tai, địa phương chú ý phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN trực tiếp chỉ đạo từng địa bàn, đồng thời gắn vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng đoàn thể các khu phố trong triển khai công tác này. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật liệu, lương thực, thuốc men, phương tiện vận chuyển, các thuyền cứu hộ...”, Chủ tịch UBND Phường 4 Lê Minh Quốc thông tin.

Ban Chỉ huy Quân sự, Công an thành phố kiểm tra, rà soát lại lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, lương thực, nhu yếu phẩm để xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp tổ chức ứng cứu, cứu hộ, sơ tán dân. Triển khai ứng cứu nhanh, kịp thời để bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước khi có thiên tai xảy ra...

Để ứng phó hiệu quả với mưa bão, giải pháp được Đông Hà coi trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác phòng, tránh và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

Bài liên quan
  • Ứng phó thiên tai “từ sớm, từ xa”
    Theo thống kê, từ đầu năm đến ngày 5/7, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương. Về tài sản, 162 nhà sập đổ, 7.888 nhà bị hư hỏng; 41.581 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; 20 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Quảng Trị: Đông Hà nâng cao năng lực ứng phó thiên tai