Quảng Trị: Người chăn nuôi lao đao dịch chống dịch

Minh Anh (t/h)|29/11/2019 07:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Dịch tả lợn châu Phi chưa chấm dứt thì bệnh lở mồm long móng gia súc lại bùng phát và lây lan trên diện rộng ở Quảng Trị khiến người nuôi lao đao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến cuối tháng 10/2019, toàn tỉnh Quảng Trị có 17 xã, phường, thị trấn công bố hết dịch tả lợn châu Phi do đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Năm 2019, tại Quảng Trị, lĩnh vực chăn nuôi gặp không ít khó khăn như dịch bệnh lở mồm long móng nguy hiểm xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, giá cả lợn hơi không ổn định, đặc biệt dịch tả lợn châu Phí xuất hiện và gây hại tại 117 xã, phường, thị trấn với 501 thôn, 9.593 hộ của 9 huyện, thị xã, thành phố; số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy gần 50.000 con với tổng trọng lượng 2.683,7 tấn…

Ảnh minh họa

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã chủ động trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời đến các cấp, ngành, địa phương và đông đảo người dân nhằm tổ chức công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng dịch, tổ chức tiêu hủy, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; lập hồ sơ hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại theo quy định và tái sản xuất sau dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Đầu năm, dịch tả lợn châu Phi, cuối năm, bệnh lở mồm long móng trên trâu bò khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi ở tỉnh Quảng Trị lao đao. Nhiều người vay Ngân hàng hàng trăm triệu đồng đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chỉ được một vài năm, chưa kịp trả nợ đã gặp rủi ro.

Ông Nguyễn Chơn Hòa, Chủ tịch UBND xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết, do dịch bệnh nên tổng đàn gia súc ở địa phương giảm mạnh. Riêng đàn lợn có hơn 10.000 con nhưng hiện nay chỉ còn vài trăm con. Nhiều gia trại nuôi hơn chục lợn nái và cả trăm lợn thịt đều bị bệnh phải tiêu hủy, thiệt hại nặng nề. Suốt mấy tháng qua, chính quyền địa phương lo chống dịch tả lợn Châu Phi, nay lại lo đối phó với bệnh lở mồm long móng trên trâu bò. Theo ông Hòa, khó khăn hiện nay là bà con chủ yếu thả rông trâu bò nên nguy cơ dịch lây lan rất khó kiểm soát.

Ông Đào Văn An, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị lo ngại, thời tiết giao mùa, môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin trên đàn gia súc mới đạt hơn 56%, nguy cơ bệnh lây lan rất lớn. Các huyện miền núi như Đakrông, Hướng Hóa, tập quán chăn nuôi thả rông trong rừng càng khó tiêm phòng và không thể kiểm soát dịch bệnh.

Ông An thừa nhận, thời gian qua, ngành thú ý và các địa phương lo tập trung phòng chống dịch tả lợn Châu Phi nên có phần chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc: “Do các địa phương dồn nguồn lực vào phòng chống dịch tả lợn Châu Phi vẫn âm ỉ diễn ra, do vậy triển khai phòng các bệnh khác có phần chủ quan lơ là. Dẫn đến việc tiêm phòng vắc xin phòng chống bệnh lở mồm long móng gia súc vụ hè thu chậm, kết quả không cao. Về chống dịch, Chi cục hướng dẫn hộ dân có gia súc mắc bệnh quản lý tại chỗ điều trị, khẩn trương tiêm phòng bao vây”.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Quảng Trị có công văn khẩn về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm soát công tác vận chuyển giết, mổ gia súc, khống chế không để dịch bệnh lây lan.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Người chăn nuôi lao đao dịch chống dịch