Rừng tự nhiên tại Việt Nam: Lâm tặc phá 1, địa phương cho phá gấp… 9 lần!

Theo báo Lao động|11/11/2020 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Một dữ liệu gây nhiều bất ngờ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng hiện nay là trong khi diện tích rừng bị chặt phá trái pháp luật chỉ chiếm 11%, thì tổng diện tích rừng bị mất bởi việc thi công xây dựng các dự án, nhà máy thủy điện lại chiếm tới 89%.

Rừng tự nhiên tăng ở đâu?

Thông tin về diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam tăng lên trong những năm gần đây được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cương công bố tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội đang diễn ra được dư luận đặc biệt quan tâm. Cụ thể theo ông Cường, trong 30 năm qua, diện tích rừng từ 9 triệu hecta tăng lên 14,6 triệu hecta. Trong số này có 10,3 triệu hecta rừng tự nhiên và theo đó so với 30 năm trước, diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam tăng thêm 1,3 triệu hecta. Dù khẳng định diện tích rừng tự nhiên hiện nay chưa được tốt bởi chỉ có 15% rừng giàu trữ lượng, 50% rừng trung bình và 35% rừng nghèo, nhưng thông tin về diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam tăng lên trong những năm gần đây gây nhiều thắc mắc về tính chính xác của các con số cũng như cách thức thống kê của Bộ NNPTNT, đặc biệt trong bối cảnh các vụ phá rừng vẫn liên tiếp được phát hiện trong thời gian gần đây.

Ảnh minh họa

Giải đáp cho những thắc mắc này, dựa trên các dữ liệu chi tiết về diện tích và phân loại chất lượng rừng được chính Bộ NNPTNT công bố trong những năm gần đây, theo đó diện tích rừng tự nhiên đúng là có tăng theo cách thống kê mang tính tổng hợp của ngành NNPTNT, nhưng thực tế diện tích rừng tự nhiên lại giảm rất mạnh các khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Trong khi diện tích rừng tự nhiên lại chỉ tăng và tăng mạnh ở khu vực rừng sản xuất. Cụ thể theo thống kê chi tiết được chính Bộ NNPTNT công bố trong 2 năm gần đây, trong khi diện tích rừng tự nhiên năm 2019 tăng gần 37.000ha so với năm 2018 lên hơn 10,292 triệu hecta, rừng tự nhiên phân theo loài cây ở khu vực đặc dụng và phòng hộ lại giảm lần lượt hơn 6.500ha và 26.500ha so với năm 2018. Ngược lại, diện tích rừng được tính là tự nhiên ở khu vực sản xuất vào cuối năm 2019 lại tăng hơn 70.000ha so với năm 2018. Chưa kể cũng theo phân loại chi tiết theo loài cây của Bộ NNPTNT, diện tích rừng gỗ ở khu vực đặc dụng và phòng hộ cũng liên tục giảm gần 2.800ha và hơn 34.000ha trong năm 2019, trong khi diện tích rừng gỗ sản xuất lại tăng hơn 82.000ha.

Như vậy có thể dễ dàng nhận thấy, diện tích rừng tự nhiên tăng lên theo thống kê của Bộ NNPTNT nằm toàn bộ ở khu vực sản xuất, trong khi lại giảm liên tiếp ở khu vực rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Điều đáng nói là theo Thông tư 34/2009 của Bộ NNPTNT quy định về tiêu chí xác định và phân loại rừng, rừng sản xuất chỉ là loại rừng được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường. Trong khi đó các diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ mới là loại rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hoá, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu và bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên lại liên tiếp giảm mạnh.

Ai làm mất rừng nhiều nhất?

Ngoài dữ liệu gây nhiều thắc mắc về diện tích rừng tự nhiên tăng lên trong những năm qua, việc ai đang là thủ phạm phá rừng, làm mất rừng nhiều nhất tại Việt Nam cũng đang gây ra rất nhiều tranh cãi. Điều bất ngờ là trong một báo cáo của Bộ NNPTNT mới đây gửi lên Chính phủ, thủ phạm làm mất diện tích rừng nhiều nhất lại không phải là các lâm tặc với các vụ phá rừng vi phạm pháp luật. Cụ thể theo Bộ NNPTNT, chỉ tính trong 5 năm 2012 – 2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm, gấp gần 9 lần các hành vi phá rừng trái pháp luật do chỉ làm mất 11% tổng diện tích rừng giảm. “Những năm qua, trước yêu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế, xã hội ngày càng lớn, nên việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương, nhưng một số nơi chưa được quản lý chặt chẽ, thiếu cân nhắc đầy đủ, toàn diện lợi ích trước mắt, lâu dài một cách khoa học” – Bộ NNPTNT chỉ rõ.

Đáng chú ý theo báo cáo của 58 tỉnh, thành phố trong cả nước, giai đoạn 2012-2017, các cơ quan nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng 38.276ha cho 1.892 dự án; trong đó diện tích rừng tự nhiên là 18.931ha, rừng trồng là 15.821ha và đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp là 3.524ha. Chưa kể theo rà soát của Bộ NNPTNT trên cơ sở báo cáo của 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng số dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng đã được phê duyệt, đang thực hiện và dự án có trong kế hoạch trung hạn đến năm 2020 là 1.071 dự án, diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng 60.129ha, bao gồm rừng tự nhiên là 16.866ha, rừng trồng là 28.986ha. Chi tiết hơn, trong số này có 877ha rừng đặc dụng, 9.584ha rừng phòng hộ và 49.667ha rừng sản xuất.

“Các địa phương đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng từ nay đến năm 2020 với diện tích 60.129ha, trong đó rừng tự nhiên 16.866ha là rất lớn, cần phải được xem xét kỹ lưỡng, quản lý đúng pháp luật” – Bộ NNPTNT nhìn nhận. Đồng thời cho biết trong thời gian qua, một số địa phương đã giải quyết chuyển mục đích sử dụng rừng thiếu chặt chẽ, quản lý lỏng lẻo, để xảy ra sai phạm, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án ở một số địa phương không được điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng nên dẫn đến tình trạng quy hoạch luôn bị phá vỡ, nhiều dự án chưa chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế và đánh giá tác động môi trường.

Theo báo Lao động

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng tự nhiên tại Việt Nam: Lâm tặc phá 1, địa phương cho phá gấp… 9 lần!