Sa mạc hóa gia tăng – thách thức môi trường toàn cầu

Ngọc Ánh (t/h)|19/06/2020 02:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhằm nâng cao nhận thức của cộng động quốc tế về hiểm họa này, các chuyên gia Liên Hợp Quốc khuyến khích các nước thực hiện các chương trình các hành động quốc gia và quốc tế để bảo vệ các vùng đất khô khỏi bị sa mạc hóa.

Theo các nhà khoa học, hơn 2 tỷ ha đất nông nghiệp trước đây đã bị thoái hóa và hiện nay không còn khả năng sản xuất. Đây là một phần của quá trình sa mạc hóa – một trong số những thách thức về môi trường lớn nhất trong thời đại chúng ta.

Ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2020 nhấn mạnh về những lợi ích của đất trong đời sống, như cung cấp thực phẩm cho con người, thức ăn cho động vật và sợi vải để dùng trong trang phục hàng ngày…, từ đó kêu gọi các hành động cụ thể của từng cá nhân, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tài nguyên đang có, sống hài hòa với thiên nhiên, từ đó giảm gánh nặng cho đất, chống lại quá trình sa mạc hóa ngày càng nghiêm trọng.

Đất đai không tồn tại vĩnh viễn

Đất đai là nền tảng của xã hội chúng ta. Đất cung cấp hơn 50% tổng giá trị của tất cả các dịch vụ hệ sinh thái, tạo điều kiện cho các nền kinh tế phát triển và thịnh vượng. Đất sản xuất là nền tảng cho xóa đói giảm nghèo, cho năng lượng, an ninh lương thực và sức khỏe môi trường.

Dân số thế giới ngày càng tăng, chất lượng sống nâng cao, các khu vực thành thị mở rộng, kéo theo đó, nhu cầu về đất để làm nơi sinh sống, trồng lương thực làm thực phẩm, trồng cây lấy sợi làm quần áo và thức ăn cho động vật đều tăng theo.

Trong một kết quả được LHQ công bố, tình trạng sa mạc hóa đang gia tăng với tốc độ báo động, gấp đôi so với những năm 1970. Ước tính 10 – 20% đất khô trên thế giới đã bị sa mạc hóa.

Theo tính toán, đến năm 2025 sẽ có 2/3 diện tích đất canh tác ở châu Phi, 1/3 diện tích đất canh tác ở châu Á và 1/5 diện tích đất canh tác ở Nam Mỹ không còn sử dụng được.

Số thực phẩm mà chúng ta làm mất hoặc lãng phí hàng năm tương đương sức sản xuất từ 1,4 tỷ ha đất sản xuất. Và với sức tiêu thụ hiện nay, vào năm 2030, chúng ta sẽ cần thêm 300 triệu ha đất để sản xuất lương thực mới có thể đảm bảo an ninh lương thực cho cư dân toàn cầu.

Nhưng trong một diễn tiến ngược, tài nguyên hữu hạn là đất đai lại đang bị đe dọa sụt giảm nghiêm trọng. Mỗi năm, hơn 12 triệu ha đất bị mất do suy thoái đất, sa mạc hóa và hạn hán tái diễn. Đây là quá trình đất đai vốn màu mỡ, bị suy thoái do hạn hán, phá rừng hoặc bị canh tác quá mức, hoặc bởi biến đổi khí hậu.

Hiện nay, hơn 120 quốc gia trên thế giới đã đặt ra hoặc cam kết đặt ra các mục tiêu cân bằng suy thoái đất và phục hồi đất, làm thay đổi mô hình trong các chính sách và thực tiễn quản lý đất đai, đồng thời áp dụng các chiến lược chống biến đổi khí hậu và đối phó với các tác động cực đoan của nó.

Phần lớn những người nghèo nhất trên thế giới cũng chính là những người bị ảnh hưởng trực tiếp của nạn sa mạc hóa.

Việt Nam tích cực ứng phó với hạn hán và suy thoái đất

Hiện nay Việt Nam có khoảng 9,34 triệu ha đất bị hoang hóa (chiếm 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc), trong đó 7,5 triệu ha đất bị thoái hóa nặng.

Việt Nam có khoảng 462.000 ha cát ven biển (chiếm khoảng 1,4% tổng diện tích tự nhiên toàn quốc) và 87.800 ha trong số này là các đụn cát, đồi cát lớn di động.Trong gần 40 năm qua, quá trình hoang mạc hoá do cát di động rất nghiêm trọng.

Mỗi năm có khoảng 10-20 ha đất canh tác bị lấn bởi cát di động. Ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, thời tiết đặc biệt khô nóng vào mùa khô, lượng mưa trung bình hàng năm ở một số nơi chỉ đạt khoảng 700 mm (vùng nóng hạn nhất là Ninh Thuận và Bình Thuận).

Thời gian tới, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt từ 20-60%, một số sông thiếu hụt trên 70%, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của nhân dân tại khu vực Duyên hải miền Trung, nhất là các tỉnh Nam Trung Bộ, như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…

Chính vì thế, chủ đề Ngày Thế giới chống sa mạc hóa, khô hạn năm nay của Việt Nam là “Tiêu dùng và đất đai,” nhấn mạnh đến những nỗ lực và giải pháp, mô hình góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng hạn hán đang diễn biến phức tạp ở nhiều vùng trên cả nước.

Việt Nam đã và đang triển khai nhiều biện pháp hiệu quả chống hạn hán tùy điều kiện mỗi vùng, đặc biệt là hệ thống cảnh báo sớm và chủ động ứng phó, triển khai các giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Nhờ đó, năm 2019-2020 là năm hạn mặn lịch sử, lớn nhất từ trước đến nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng chỉ có gần 20% diện tích trồng lúa bị giảm năng suất 30-70%.

Để chống hạn, các tỉnh Nam Trung Bộ-Tây Nguyên đang sử dụng những hồ nước lớn giữ vai trò điều tiết nước tưới. Các tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, hoàn thiện hệ thống kênh kết nối và đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi hợp lý cơ cấu cây trồng, sử dụng giống cây ngắn ngày, cây chịu hạn… để thích ứng với điều kiện nguồn nước.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sa mạc hóa gia tăng – thách thức môi trường toàn cầu