Mưa thuận gió hoà chỉ còn là dĩ vãng ở sông Mê Kông

Mai Hương (T/h)|18/06/2020 05:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo nghiên cứu, lũ dữ dội và hạn gay gắt sẽ trở nên phổ biến hơn ở lưu vực sông Mê Kông, đe dọa gây nhiều tổn thất về người và của

Báo cáo thường niên 2019 của Ủy hội Sông Mekong (MRC) đánh giá những trận hạn hán lớn xen với lũ lụt dữ dội ở nhiều khu vực dọc sông Mekong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy vùng đất này đang đối mặt với nguy cơ thời tiết cực đoan ngày càng lớn, đặc biệt trong 30 năm tới.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ vượt xa mọi dự báo, bên cạnh đó bàn tay con người, cụ thể là các công trình nhân tạo, đã làm biến đổi dòng chảy sông Mekong đến mức không còn nhận ra.

Chỉ với một trận hạn lớn năm 2019, cộng với việc các đập thủy điện thượng nguồn tích nước đã khiến nhiều đoạn sông Mekong ở hạ nguồn cạn trơ đáy, nước biển thì xâm nhập sâu vào đất liền đến hàng chục kilomet…

Cồn cát xuất hiện nhiều trên sông Mekong đoạn biên giới Lào – Thái Lan cuối năm 2019 – Ảnh: MRC

Giữa những thách thức này, MRC cho rằng không còn cách nào ngoài việc mở rộng mạng lưới quan sát thủy văn để thu thập dữ liệu, giúp tăng cường các nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai.

“Lũ lụt và hạn hán đã ảnh hưởng nặng nề đến chúng ta thời gian qua, đòi hỏi cả khu vực phải hợp tác chặt chẽ hơn. Các quốc gia hạ Mekong cần tăng cường nỗ lực khắc phục các vấn đề trước mắt và trong tương lai, ví dụ như đảm bảo sự minh bạch, chất lượng và thời gian trong chia sẻ dữ liệu nước”, ông An Pich Hatda, trưởng ban thư ký MRC, nêu giải pháp.

Báo cáo dài 100 trang của MRC đặc biệt nhấn mạnh vào tổn thất kinh tế lưu vực hạ Mekong phải gánh chịu do thiên tai ảnh hưởng đến mùa vụ, môi trường và sinh kế của người dân.

Lượng nước biến đổi thất thường do thủy điện, cộng với lũ quét do biến đổi khí hậu, cũng là một thách thức lớn.

Theo Chiến lược quản lý hạn hán giai đoạn 2020 – 2025 do MRC đề xuất, khu vực sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: Theo dõi; Dự báo và cảnh báo sớm; Nâng cao năng lực đánh giá và lên kế hoạch chống hạn; Các biện pháp giảm thiệt hại; Hệ thống chia sẻ thông tin.

Mai Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mưa thuận gió hoà chỉ còn là dĩ vãng ở sông Mê Kông
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.