Moitruong.net.vn – Tây Bắc những ngày cuối Đông, đầu Xuân chớm sang. Trong làn sương mờ ảo, bản làng hiện lên nơi lưng chừng núi. Sắc hồng của hoa đào, sắc trắng của hoa mận như đang đánh thức núi rừng Tây Bắc. Thời khắc đất trời chuyển giao từ Đông sang Xuân. Khắp bản làng ngập tràn sắc Xuân, Xuân về trên nương rẫy, đậu nên nụ cười hồn nhiên e thẹn của trẻ thơ trước hiên nhà, trên đôi má hây hây của thiếu nữ miền sơn cước.
Đến với Tây Bắc, cảm nhận được sự hiểm trở của địa hình với những dãy núi cao chạy song song với dãy Hoàng Liên Sơn tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp. Vẻ đẹp của sơn thủy hữu tình. Tôi cứ say sưa ngây ngất với đất trời, với cảnh đẹp như tranh vẽ.
Nơi đây hội tụ nhiều dân tộc anh em: Thái, Mường, Dao, Tày, H’Mông, Kinh, Nùng,… cùng chung sống chan hòa qua bao thế hệ. Theo thời gian, sự giao thoa văn hóa đã biến Tết cổ truyền của người Kinh thành ngày hội lớn của vùng đất nơi đây. Mùa Xuân mùa đẹp nhất trong năm – mùa vạn vật sinh sôi nảy nở, vùng đất được khoác lên mình chiếc áo hoa rực rỡ. Mặc cho thời tiết có khắc nghiệt, mặc sương lạnh giá, mặc gió núi lạnh lẽo hoa đào, hoa mận chưa năm nào lỡ hẹn cùng mùa Xuân. Sau những ngày âm thầm tích gió ủ sương đến thời khắc đất trời giao cảm, mầm hoa và lộc biếc cựa mình đua nhau phô sắc tỏa hương trong gió Xuân.
Tây Bắc mùa hoa nở rộ, tựa như tâm hồn của con người nơi đây.
Hoa mận trắng nhẹ nhàng, giản dị, mộc mạc nhưng làm nao lòng bao kẻ si tình. Thung lũng Nà Ka trải ra trước mắt tôi bạt ngàn vườn mận với sắc trắng tinh khôi. Thung lũng Nà Ka được phủ một tấm áo màu trắng muốt của những triền hoa mận. Màu trắng tinh khôi trải dài hết thung lũng bao la, rộng lớn và cả trên những quả đồi nhỏ, những vách đá cheo leo. Cảnh sắc yên bình ở đây khác xa với những ồn ào, bụi bặm của chốn đô thị, lại vẫn còn vẻ hoang sơ, nguyên thuỷ bởi Nà Ka chưa bị khai thác quá nhiều để phục vụ cho du lịch. Vẻ đẹp ấy khiến tôi bị choáng ngợp. Dù trong sương mù hay trong nắng vàng ấm áp hoa mận cứ tràn đầy sức sống là điểm dừng chân và check-in của bao du khách. Mọi người đều nói hoa mận được ví như người thiếu nữ đang độ Xuân thì nhẹ nhàng mà khó chạm đến.
Trong gió Xuân nhìn hoa thật mong manh, tuy nhiên sức hoa mãnh liệt đủ chống chọi với mọi thời tiết khắc nghiệt của vùng núi cao. Trời càng lạnh giá hoa mận càng đẹp. Nhờ sự thuần khiết của hoa mận trắng mà thu hút khách du lịch đến đây vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp vừa tự tay hái mận. Thung lũng được mệnh danh “Thiên đường lưng chừng núi”. Bà con giới thiệu tầm tháng tư đến đây sẽ thấy màu đỏ của mận chín. Nghe giới thiệu là muốn trở lại mang theo lời hẹn. Khi trời lạnh giá vườn mận được phủ lên một lớp bao bóng để cây đủ sinh lực chống chọi với thời tiết. Chia tay Nà Ka vẫn còn lưu luyến bởi sự bình yên trong trẻo của mảnh đất này.
Đào phai cánh trắng phớt hồng, bích đào thắm đỏ gió đông chuyển mùa. Nổi bật hơn hoa mận là sắc hồng của hoa đào. Hoa đào kiều diễm báo hiệu một năm sung túc, an lành đang đến gần. Hoa đào tượng trưng cho sự may mắn và đủ đầy, cho sự đổi mới và phát triển, cho sự sinh sôi nảy nở. Nhưng với riêng người Mông, nhất là người H’Mông ở Lóng Luông (Vân Hồ), nơi duy nhất ở tỉnh Sơn La hàng năm tổ chức Ngày hội hoa đào, thì hoa đào còn là người bạn gắn bó thân thiết. Hiếm thấy có ngôi nhà nào ở các bản làng của người H’Mông dọc xã Lóng Luông không trồng đào. Cây hoa đào gắn với người lớn là những bông hoa đẹp đẽ Xuân về, là thứ đem lại nguồn thu kinh tế với bán cành đào, bán quả đào, bán gốc đào; hoa đào gắn với đám trẻ là thứ quả ăn giòn tan, ngọt ngọt, chát chát mỗi lúc đi học về.
Đào ở dưới miền xuôi cũng có như đào Nhật Tân (Hà Nội), đào Vân Đồn (Quảng Ninh) nhưng đào Lóng Luông khác biệt bởi những vết mốc sần sùi trên thân cành nhánh cùng với các dáng tạo thành ý nghĩa mà những người sành chơi mới rõ. Sắc hoa tươi tắn, thời gian nở kéo dài đến một tháng. Người bản địa chia sẻ, trồng đào như tham gia canh bạc, năm nào thuận lợi đào nở trúng Tết thì năm đó đào được mùa, còn không thì mất trắng. Đào ở đây không cần chăm sóc nhiều, chỉ dựa vào tiết trời: đào rụng lá ra hoa không cần tác động bởi bàn tay con người.
Hai năm gần đây, do tình hình dịch bệnh nên việc mua bán đào từ miền ngược về miền xuôi không còn tấp nập như xưa nhưng sắc Xuân nơi rẻo cao vẫn tràn ngập khắp muôn nơi, trải dài khắp các bản làng. Theo phong tục thì hầu như nhà nào ở vùng Tây Bắc cũng có một nhánh đào chưng Tết. Đào Vân Hồ đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, băng rừng vượt suối mang hương Xuân xuống miền xuôi. Bên bếp lửa bập bùng, những người bán đào trò chuyện vui vẻ dù bên ngoài giá lạnh. Ngọn lửa như thắp lên niềm hi vọng sang năm dịch bệnh đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình thường, cuộc sống sẽ sung túc đầy đủ.
Tây Bắc mùa hoa nở rộ, tựa như tâm hồn của con người nơi đây. Những loài hoa tượng trưng cho núi rừng Tây Bắc đẹp bình yên giản dị nhưng ẩn chứa một sức sống mãnh liệt. Đến với vùng đất nơi đây tôi đã lắng nghe âm thanh của núi rừng, đã cảm nhận vẻ đẹp của đất trời cũng như tình người xứ sở thật bình yên. Hẹn gặp nhé vùng rẻo cao Tây Bắc.
Phạm Thị Mỹ Liên