Sáng nay (18/2), chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức tốt
Sáng 18/2, chất lượng không khí tại Hà Nội ở mức tốt nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo đây chỉ là diễn biến tạm thời, ô nhiễm có thể nhanh chóng trở lại.
Số liệu trên trang moitruongthudo.vn của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố vào 8h ngày 18/2 cho thấy: Chất lượng không khí tốt nhất là khu vực thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn) có chỉ số AQI ở mức 17, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) ở mức 23, số 50 Đào Duy Từ (quận Hoàn Kiếm) ở mức 24, xã An Khánh (huyện Hoài Đức) và thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ) ở mức 25. Chỉ số AQI cao nhất là khu vực phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và xã Vân Hà (huyện Đông Anh) có chỉ số AQI lần lượt là 43 và 36.

Trên trang cem.gov.vn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất lượng không khí một số khu vực ở Hà Nội cũng được cải thiện tích cực. Duy nhất khu vực Đại học Bách khoa Hà Nội (phía đường Giải Phóng) chất lượng không khí ở mức trung bình, chỉ số AQI là 56. Khu vực 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) và công viên Nhân Chính (đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân) duy trì ở ngưỡng tốt, chỉ số AQI lần lượt là 42 và 34.
Còn theo hệ thống quan trắc không khí IQAir, vào lúc 7h39 sáng 18/2/2025, chất lượng không khí ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều ở mức trung bình, màu vàng. Cụ thể, với chỉ số AQI lần lượt ở mức 94 và 77, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội xếp thứ 38 và 53 tương ứng trong danh sách 123 thành phố ô nhiễm trên thế giới của IQAir. Tại Hà Nội, trạm đo ở quận Tây Hồ ghi nhận chỉ số AQI cao nhất, màu vàng "trung bình" ở mức 97.
Theo các chuyên gia môi trường, Hà Nội và khu vực miền Bắc vẫn đang trong mùa ô nhiễm không khí. Những ngày qua, chất lượng không khí có dấu hiệu cải thiện, song đây chỉ là diễn biến tạm thời, phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố thời tiết như mưa hoặc gió mạnh giúp khuếch tán chất ô nhiễm.
Phần lớn thời gian khác, bầu trời vẫn bị bao phủ bởi lớp sương mù và hiện tượng nghịch nhiệt, khiến khói bụi không thể khuếch tán lên cao. Lớp nghịch nhiệt này hoạt động như một “nắp đậy”, giữ lại các chất ô nhiễm ở tầng khí quyển thấp, làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm. Khi không còn mưa hoặc gió mạnh, các hạt bụi lơ lửng tiếp tục tích tụ, khiến chất lượng không khí nhanh chóng suy giảm trở lại.