Sạt lở đất ở Việt Nam – Bài 3: Phòng chống và giải pháp giảm thiểu sạt lở

Hồng Tú|28/08/2023 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ở Việt Nam, tình trạng sạt lở đất có thể xảy ra ở cả thành phố lẫn các khu vực địa hình đồi, núi cao. Các cơ quan chức năng cần có các hoạt động điều tra địa chất, quan trắc thực địa định kỳ để dự đoán nguy cơ sạt lở đất, đá tiềm ẩn, làm giảm thiểu nguy cơ sạt lở cho người dân.

Dấu hiệu nhận biết và phòng chống sạt lở

Địa hình nước ta có vùng diện tích đồi núi khá lớn, cư dân sinh sống tại những vùng này chủ yếu là của đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, tại những vùng có địa hình đồi, núi cao thường xuyên xảy ra thiên tai đặc biệ là sạt lở đất, đá. Theo đó, vấn đề trang bị kiến thức nhận biết sạt lở và phương pháp phòng tránh là vô cùng quan trọng.

Để nhận biết dấu hiệu của sạt lở đất, chúng ta cần quan sát những thay đổi xung quanh khu vực mình sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc, đặc biệt là những nơi mà dòng nước tích tụ lại, xuất hiện dấu vết sạt lở, vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.

045713146.jpg
Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.

Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.

Khi di dời cần đảm bảo theo nguyên tắc: Đảm bảo tính mạng con người trước, tài sản sau; di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước. Địa điểm di dời là những nơi sinh hoạt cộng đồng như: trường học, bệnh viện hoặc những nhà kiên cố an toàn trong những vùng lân cận. Mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết như: nước uống, thức ăn, thuốc men, quần áo và đèn pin…

Đối với chính quyền địa phương cần chú ý, vì đa số người dân tại những khu vực dễ xảy ra sạt lở thường sinh sống ở đây rất lâu đời và chưa từng xảy ra những sự việc tương tự nên thường chủ quan, khi được cảnh báo di dời thường chần chừ và ngại di dời. Chính vì vậy, trong trường hợp cần thiết phải di dời có thể dùng biện pháp cưỡng chế.

Các phương pháp phòng chống sạt lở đất trên sườn dốc được phân ra làm 2 loại:

Phòng chống lũ quét, sạt lở đất: xây dựng các hệ thống thoát nước, trồng cây gây rừng, các công trình bảo vệ sườn dốc nhằm giảm ảnh hưởng của mưa xuống lưu vực. Chủ động di dời những vùng đất cao có nguy cơ bị sạt trượt.

Giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất: Củng cố thảm phủ bề mặt trên sườn dốc, duy trì các công trình tường ngăn,...

Nếu thấy nguy cơ sắp xảy ra sạt lở đất, hãy sơ tán ngay lập tức. Thông báo cho người thân trong nhà, hàng xóm bị ảnh hưởng nếu có thể, và báo cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ qua số 114 hoặc cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.

Lắng nghe âm thanh bất thường để có thể xác định hướng, khu vực các mảnh vỡ đang chuyển động, chẳng hạn như tiếng cây cối nứt nẻ hoặc đá tảng va vào nhau.

Nếu ở gần suối hoặc kênh, chú ý cảnh giác với bất kỳ sự tăng hoặc giảm đột ngột nào của dòng nước và để ý xem nước có chuyển từ trong sang đục hay không. Những thay đổi như vậy có thể có nghĩa là có hoạt động dòng chảy mảnh vụn ở thượng nguồn, vì vậy hãy chuẩn bị để di chuyển nhanh chóng.

Đặc biệt cảnh giác khi lái xe trong khu vực có nguy cơ sạt lở, để ý xem mặt đường bị sụp, bùn, đá rơi và các dấu hiệu khác về khả năng có thể chảy xuống các mảnh vỡ trước khi sạt lở đất, đá xảy ra.

Tránh xa khu vực sạt lở vì có thể có nguy cơ xảy ra các sạt lở thứ cấp.

Kiểm tra những người bị thương và bị mắc kẹt, không đi vào khu vực sạt lở trực tiếp. Chỉ dẫn cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến vị trí của những người bị kẹt, người có thể cần hỗ trợ đặc biệt như trẻ sơ sinh, người già và người khuyết tật có thể yêu cầu hỗ trợ thêm trong trường hợp khẩn cấp.

Đề phòng lũ quét có thể xảy ra sau khi sạt lở đất hoặc dòng chảy của các mảnh vụn.

Thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng, sơ tán đến các khu vực an toàn và đồng thời cùng cơ quan chức năng khắc phục hậu quả do sạt lở đất, đá gây ra nếu có thể.

Để giữ sự ổn định lâu dài, bền vững thì phải chú trọng đến việc bảo vệ rừng, trồng mới, khoanh nuôi rừng. Đặc biệt là hạn chế thấp nhất sự xâm hại đến đất rừng trong quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.

Giải pháp giảm thiểu sạt lở đất

z3790816737434_92a28.jpg
Đoàn Công tác Ban Chỉ huy PCTT kiểm tra tại điểm sạt lở suối Tình Cảm, xã An Quang, An Toàn.

Giải pháp làm giảm thiểu sạt lở đất đầu tiên phải chú trọng đó là vấn đề đầu tư xây dựng các công trình với mục tiêu can thiệp vào môi trường tự nhiên, cần hạn chế tối đa các hoạt động làm mất cân bằng tự nhiên (đặc biệt là trong quá trình xây dựng các công trình khai khoáng, giao thông, thủy điện, thủy lợi), nhằm giảm thiểu tối đa các nguyên nhân tiềm ẩn gây tai biến địa chất trên một phạm vi nhất định.

Tuy nhiên, các giải pháp công trình thường mang tính thụ động, nếu không được thiết kế, thi công cẩn thận và xem xét chúng trong mối tương quan hỗ trợ với các biện pháp khác thì sẽ không thể mang lại hiệu quả như mong đợi.

Có thể chia ra các nhóm công trình sau:

Tiêu thoát nước, làm giảm ứng suất cắt và tăng sức chống cắt của đất.

Bảo vệ bề mặt mái dốc (trồng cỏ, sử dụng vật liệu địa kỹ thuật, xây phủ bằng bê tông,...), tăng cường bảo dưỡng các taluy sườn dốc hệ thống đường giao thông.

Làm giảm lưu lượng và cản trở sự truyền lũ. Trong đó có thể xây dựng các hồ chứa nước trên lưu vực, nhằm mục tiêu điều tiết nước, hạn chế tập trung nước gây lũ quét, giữ lại một phần dòng chảy bùn rác, cắt đỉnh lũ cho hạ lưu trên lưu vực vào mùa mưa.

Tuy nhiên, khi xây dựng các hồ này, nên tính tới hiệu quả kinh tế - xã hội, coi các công trình đó có thể phục vụ đa mục tiêu (chống lũ, chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản, phát điện, gián tiếp hạn chế nạn phá rừng thu hẹp tầng phủ...).

Tăng khả năng điều tiết dòng chảy ở những vị trí có nguy cơ tắc nghẽn trên sông suối.

Gia cố tăng cường sự bền vững của đập nước, và bờ sông suối ở những vùng phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo vệ rừng đầu nguồn và trồng cây nhằm gia tăng độ che phủ rừng trên bề mặt địa hình.

Xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi, thủy điện, nhà ở,.. cần tính toán tới việc đầu tư đảm bảo tính kháng trượt, kháng lũ, kháng sụt, kháng chấn,...trong những giới hạn cho phép ở các khu vực phát triển kinh tế - xã hội có độ rủi ro cao về tai biến địa chất.

Đối với các điểm trượt lở trong đá phong hóa dọc theo các vách taluy theo đường giao thông:

Tiến hành bóc bỏ lớp đá phong hóa có kết cấu yếu, kết hợp hạ độ dốc mái taluy; phân bậc mái dốc thành các cấp và kè đá kín bề mặt khối trượt để chống tác động phá hoại của nước mặt; xây dựng hệ thống rãnh thoát nước, các rãnh nghiêng phân bậc trên sườn dốc, nhằm hạn chế quá trình thấm nước.

Xây kè hộ chân mái núi hoặc kè hộ chân vách taluy âm. Kết hợp gia cố các khối đất đá bằng các công trình chắn đỡ và neo giữ - nhằm chống lại sự dịch chuyển của khối đất đá. Tại chân các khối trượt không ngập nước có thể xây tường chắn, kè chắn; phần chân khối trượt ở bờ sông hoặc ngập nước có thể xếp rọ đá, lồng đá kết hợp khoan cọc nhồi phun bê tông và xây kè chắn.

Tháo khô đất đá bị sũng nước - nhằm chặn nước dưới đất không thấm vào khu vực trượt lở đất, tháo dẫn nước dưới đất ra khỏi khu vực trượt lở đất và hạ thấp mực nước, áp lực của nước dưới đất trong khu vực trượt. Đồng thời kết hợp cải tạo tính chất đất đá - nhằm làm tăng độ cố kết của đất đá, giảm độ ẩm và độ thấm nước, tăng độ ổn định, sức chống trượt của chúng.

Bảo vệ thảm thực vật xung quanh và trên bề mặt khối trượt, kết hợp trồng cỏ (cỏ vetiver) trên thân trượt hạn chế xói lở bề mặt địa hình.

fb_img_1654047262979.jpg
Ảnh minh họa

Đối với các điểm trượt tịnh tiến: Tùy từng khối trượt có thể dùng nêm cố định khối trượt bằng cách khoan và cắm một mạng lưới các cọc bê tông- sắt vuông góc với bề mặt trượt (các cọc cắm sâu vào tầng đất đá ổn định tùy vị trí cụ thể) hoặc xây tường chắn ở chân khối trượt.

Đối với trượt hỗn hợp quy mô lớn: Các điểm trượt hỗn hợp có mặt trượt ẩn sâu thường có quy mô lớn, tính chất phức tạp, là sự tác động tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó vai trò của yếu tố kiến tạo rất lớn, nên việc xử lý bằng các giải pháp công trình rất tốn kém và hiệu quả không cao. Đối với một số điểm trượt lớn cần nghiên cứu chi tiết để xác định chiều dày khối trượt, hình thái mặt trượt, trên cơ sở đó tính toán lực tác động của đất đá trên xuống phía dưới để đề xuất giải pháp cụ thể.

Đối với xói lở sông: Khắc phục xói lở bờ sông là rất khó khăn do thung lũng sông hẹp, cấu tạo đất đá đường bờ ít ổn định, dòng chảy hướng thẳng vào bờ, nên vào mùa lũ xói lở tất yếu sẽ xảy ra và sẽ kéo theo hiện tượng trượt lở phá đường bờ, gây mất nền đường. Giải pháp khả thi hiện nay là xây kè bê tông hoặc xếp rọ đá, lồng đá dọc đoạn bờ sông bị xói lở.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sạt lở đất ở Việt Nam – Bài 3: Phòng chống và giải pháp giảm thiểu sạt lở