Ông Vũ Đức Long – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Cao điểm mùa bão trên Biển Đông và Việt Nam là tháng 9 và tháng 10.
Từ đầu năm 2019 tới giờ đã có 3 cơn bão xuất hiện trên biển Đông là bão số 1 Pabuk, bão số 2 Mun và bão số 3 Wipha có đặc điểm chung là đều hình thành ngay trên Biển Đông.
Về cường độ của các cơn bão trên đều không quá mạnh. Quỹ đạo di chuyển của bão số 1 không đặc biệt nhưng bão số 2 và bão số 3 lại khá phức tạp.
Những ngày gần đây, vùng áp thấp và áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông gây ra mưa dông, ngập lụt ở Nam Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cảnh tượng tan hoang ở Khánh Hòa sau cơn bão số 8 năm 2018. Ảnh: Báo Nông nghiệp
Vậy liệu trong thời gian tới đây, Việt Nam còn đón khoảng bao nhiêu cơn bão, áp thấp nhiệt đới? Và bão, áp thấp nhiệt đới giữa và cuối mùa thường sẽ tấn công những khu vực nào?
Giải đáp về vấn đề này, Ông Vũ Đức Long – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết, theo thông tin nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia từ đầu năm đã dự báo mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm.
Dự báo số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trong năm 2019 có khả năng từ xấp xỉ và ít hơn so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể, năm nay có khả năng xuất hiện khoảng 10 – 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông. Trong đó có khoảng 4 – 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
“Như vậy, tính đến thời điểm đầu tháng 8 đã xuất hiện 3 cơn bão trên Biển Đông, trong đó có 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam (ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ).
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2019 nhiều khả năng sẽ còn khoảng 3 – 4 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Trong đó cao điểm mùa bão trên Biển Đông và Việt Nam là tháng 9 và tháng 10″ – ông Đức Long nhận định.
Bão giữa và cuối mùa tác động miền Trung và miền Nam
3 cơn bão đầu mùa hầu như tác động đến khu vực Bắc Bộ. Tâm bão đổ bộ khu vực Quảng Ninh – Nam Định.
Ông Đức Long phân tích, việc đầu mùa, bão ảnh hưởng đến Bắc Bộ, giữa mùa ảnh hưởng tới miền Trung và cuối mùa tác động đến miền Nam là hoàn toàn phù hợp với quy luật khí hậu.
Cụ thể bão thường xuất hiện và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc trong những tháng đầu mùa bão từ tháng 6 – 9 ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Cơn bão số 2 và bão số 3 ảnh hưởng tới nước ta như vậy là hoàn toàn phù hợp với quy luật.
Còn từ tháng 10-12 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ và khu vực phía Nam.
“Thậm chí còn có tình trạng rơi rớt bão cuối mùa sang tháng 1 của năm sau. Điển hình là cơn bão số 1 Pabuk năm nay xuất hiện đúng này 1 tháng 1 năm 2019 – là một dạng của cơn bão rớt của mùa bão năm 2018” – ông Đức Long lấy ví dụ.
Thủy Tiên (T/h)