Sẽ có khoảng 9.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng cho sản xuất lúa carbon thấp

Minh Châu|20/03/2024 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất lúa carbon thấp ở 12 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trừ tỉnh Bến Tre). Tổng vốn đầu tư 375 triệu USD (khoảng 9.000 tỉ đồng), thực hiện trong giai đoạn 2026-2031.

Ngày 19/3, tại Cần Thơ, Bộ NN&PTNT chủ trì hội thảo góp ý Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trên cơ sở Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Theo Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), khu vực triển khai Dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng ĐBSCL gồm 12 tỉnh, thành (trừ tỉnh Bến Tre). Bộ NN & PTNT là chủ dự án (với 12 tỉnh, thành ĐBSCL là cơ quan thực hiện cấp tỉnh). Thời gian thực hiện từ năm 2026-2031 (chuẩn bị dự án là 2024-2025).

Chi phí dự án khoảng 375 triệu USD, trong đó 360 triệu USD từ khoản vay của Ngân hàng Thế giới, 15 triệu USD là vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương.

lua.jpg
Sẽ có khoảng 9.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng cho sản xuất lúa carbon thấp

Mục tiêu phát triển dự án là để thúc đẩy sản xuất gạo carbon thấp chất lượng cao tại các tỉnh mục tiêu ở ĐBSCL. Mục tiêu dự án sẽ được đo lường bằng các chỉ số như tăng năng suất và sản lượng lúa gạo, thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính và thanh toán tín dụng carbon dựa trên kết quả.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị dự án này chỉ nên tập trung vào bốn vấn đề trọng tâm là hệ thống thủy lợi, giao thông liên vùng, logistic và cơ giới hóa đồng bộ.

Theo Thứ trưởng, đây là dự án trọng yếu cơ bản để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa. Khoảng tháng 5/2025 Ngân hàng thế giới phê duyệt nên không thể trễ được. Tuy nhiên các địa phương vẫn còn cơ hội bổ sung bằng vốn vay trung hạn 2026-2030 nhưng nên đầu tư giai đoạn này cho hoàn chỉnh để giai đoạn sau có phát sinh thì sẽ dễ điều chỉnh.

Thứ trưởng Nam cũng đề nghị các địa phương cho rà lại 180.000 ha trong dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam) xem cần hoàn chỉnh cái gì… Cạnh đó rà soát lực lượng khuyến nông cơ sở vì đây là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải.

Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đã chọn năm tỉnh, thành với năm loại đất khác nhau để triển khai năm mô hình điểm trong Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải gồm TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang (đất phèn mặn), Đồng Tháp (đất đầu nguồn), Trà Vinh (đất bồi, phù sa). Mô hình sẽ thực hiện từ quy trình canh tác đến đo lượng phát thải ra. Theo đó, phải ba vụ mới đo được chính thức lượng phát thải, lúc đó Bộ mới có văn bản công nhận mức độ phát thải.

Sau tháng 7, 8, 9 khi thu hoạch vụ Hè Thu xong thì chúng ta có mô hình hoàn chỉnh từ quy trình canh tác đến lượng phát thải và ra được lúa giảm phát thải, từ đó sẽ mở rộng ra ở các tỉnh, khu vực khác.

“Đây là dự án có thể chuyển đổi căn bản phương thức sản xuất của ĐBSCL về lúa gạo cho nên rất nhiều tổ chức quốc tế chú ý, bà con rất đồng tình. Tôi thấy rằng từ vai trò trách nhiệm đó rất mong các địa phương cùng chung sức để sớm hoàn thành đề án này”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sẽ có khoảng 9.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng cho sản xuất lúa carbon thấp