Sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền
Theo số liệu của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), từ giữa tháng 9 đến nay, CLKK tại Hà Nội luôn ở mức thấp, liên tục có những ngày nồng độ bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép, tăng mạnh so với các tháng trước và so với cùng kỳ các năm từ 2015 – 2018.
Tại Hội thảo về “Hiểu đúng về ô nhiễm không khí tại Hà Nội – Hành động của chính quyền và người dân” tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia nhận định, tình trạng không khí tại Hà Nội thời gian gần đây là thực trạng chung của các nước trong quá trình phát triển “nóng”. Ước tính, mỗi ngày TP Hà Nội tiêu thụ trên 400 triệu Kwh điện và hàng triệu lít xăng dầu. Đây chính là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính.
Đứng trước những thách thức đó, thời gian vừa qua, UBND TP Hà Nội cùng các sở, ban, ngành liên quan đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hành động quyết liệt. TP đã ban hành Kế hoạch 2587 ngày 24/6, trong đó yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội cũng đang triển khai chương trình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, tuyên truyền và xây dựng lộ trình đến ngày 31/12/2020 không còn tình trạng sử dụng bếp than tổ ong…
TP cũng đã triển khai các Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020”. Đối với Đề án chống ồn, chống bụi trên địa bàn, Hà Nội tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), các chuyên gia, nhà khoa học và đơn vị liên quan tiến hành kiểm kê nguồn thải, phân tích hóa học để xác định nguồn gây bụi.
Ông Mai Trọng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, sau khi lắp đặt các trạm quan trắc và chỉ đạo của Bộ TN&MT, TP đã yêu cầu các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn lắp đặt các trạm quan trắc tự động truyền tải về Sở TN&MT để quản lý kiểm soát, giám sát các vấn đề chất lượng, nguồn thải và khí thải.
Đối với các làng nghề, Chi cục đã điều tra khảo sát, đánh giá để bảo tồn duy trì, đồng thời kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường, từ nước thải, khí thải, rác thải. Với các làng nghề mới, để ổn định lâu dài, TP đã và đang quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề, hướng dẫn quy trình sản xuất không gây phát thải ô nhiễm.
Cùng với đó, UBND TP cũng chỉ đạo, vào những ngày thời tiết hanh khô, nhiệt độ cao, gây bụi thì tiến hành tưới nước rửa đường. Đặc biệt, Hà Nội đã về đích trong việc trồng 1 triệu cây xanh trên rất nhiều các trục đường giao thông. Các cơ quan hành chính trên địa bàn TP đã hạn chế sử dụng chai nhựa, đồ nhựa dùng một lần… Đó chính là minh chứng cho những nỗ lực của các cấp chính quyền để cải thiện môi trường sống của Hà Nội nói chung và CLKK nói riêng.
Trồng mới nhiều cây xanh trên các trục đường giao thông để cải thiện môi trường sống của Hà Nộinói chung và chất lượng không khí nói riêng. Ảnh: Thanh Hải
Cần hơn nữa sự tự giác của người dân
Trở lại câu chuyện về Seoul, theo GS Young Soo Choi – nguyên Giám đốc Khí hậu và Giám đốc CLKK của Seoul, “Lời hứa của Seoul” là một dự án xã hội do tất cả người dân Seoul cam kết, cùng chung tay thực hiện. Lời hứa đó có rất nhiều yếu tố kỹ thuật, tất cả người dân cùng hứa với nhau bắt đầu từ năm 2015 cho đến 2020 sẽ chung một tầm nhìn là làm mọi việc để Seoul trở thành một TP bền vững cho tất cả mọi sinh vật sống. Trong đó chiến lược chi tiết gồm 5 lĩnh vực lớn: Năng lượng; không khí/giao thông; tuần hoàn tài nguyên/nước; sinh thái/nông nghiệp đô thị; sức khỏe/an toàn với tổng số 160 hành động cụ thể.
Đơn cử, một gia đình tiết kiệm được khoảng 5 – 10% lượng điện hàng tháng, họ sẽ giảm được số tiền nhất định. Nhưng nếu hàng triệu gia đình, công ty ở Seoul giảm được 5 – 10% lượng điện trong tháng, có nghĩa là TP đã giảm được từng đó chi phí sản xuất, chi phí vận hành và năng lượng tiêu thụ. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho “Lời hứa của Seoul”. Đặc biệt, người có tiền điện ít nhất trong tháng sẽ được khen ngợi, được mời chia sẻ kinh nghiệm và được tôn trọng.
Từ tầm nhìn chung đó, Seou đưa ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2020, toàn TP giảm được 25% mức carbon đã thải ra trong năm 2015, tương đương với 3,7 triệu tấn năng lượng tiêu thụ (TOE), trở thành một TP trong lành, an toàn, đủ khả năng chống chọi với các nguy cơ biến đổi khí hậu cực đoan.
Từ ý tưởng biến thành hiện thực, trong vòng bốn năm từ 2015 – 2019, Chương trình hành động “Lời hứa Seoul” đã về đích trước thời hạn một năm, trong đó riêng về mặt năng lượng, TP đã tiết kiệm được 3,66 triệu tấn TOE. Một trong những nguyên nhân dẫn tới chương trình hành động “Lời hứa Seoul” thành công là sự đồng lòng của những người dân trong việc tiết giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Từng là một TP ô nhiễm tất cả mọi thứ từ không khí, nước, đất, rác thải… thành công của Seoul đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều TP ở châu Á, trong đó có Hà Nội. Thêm vào đó, chưa bao giờ người dân Thủ đô lại quan tâm đến CLKK như hiện nay. Hà Nội có hơn 8 triệu dân, do vậy, giải quyết ô nhiễm không khí không chỉ trông chờ vào hành động của chính quyền mà cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của người dân.
Nếu tất cả người dân Hà Nội cùng đồng loạt không đốt than tổ ong, giảm rác thải, giảm sử dụng túi nilong, chai nhựa, hạn chế sử dụng xe quá hạn, cùng chung tay nâng cao ý thức cộng đồng, thực hiện tốt những quy định của pháp luật về môi trường thì chắc chắn CLKK của Hà Nội sẽ tốt hơn nhiều.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng cần xác định rõ vai trò, giám sát trong quá trình thực hiện đối với các sở, ban, ngành có liên quan, để thực hiện tốt hơn nữa, giải quyết đồng bộ các vấn đề liên quan đến môi trường, ô nhiễm không khí.
Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí của Hà Nội còn rất nhiều khó khăn, là quá trình bền bỉ, lâu dài, cần nỗ lực hơn nữa từ cơ quan quản lý và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Chúng ta có thể chưa giảm được nhiều như Seoul, như Paris nhưng với sự đồng lòng của 8 triệu người dân Hà Nội cùng với chính quyền, chắc chắn CLKK của Thủ đô sẽ được cải thiện.
Hồng Minh (T/h)