Singapore: Máy đổi giấy phế liệu lấy tiền tại các điểm cộng

Dương Anh|12/12/2021 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chương trình lắp đặt máy tái chế giấy là một phần trong bước đầu của kế hoạch nhằm đảm bảo mỗi thị trấn do PAP quản lý đến năm 2025 có thể đạt mục tiêu “không rác thải, tiết kiệm năng lượng và xanh hơn”.

Lắp máy tái chế giấy

Đảng Hành động Nhân dân Singapore (PAP) thông báo sẽ hợp tác với công ty SGRecycle để hoàn tất lắp đặt 78 máy tái chế giấy tại các khu nhà ở do chính phủ xây dựng trên khắp Singapore vào cuối năm nay.

PAP cho biết đến cuối tuần trước đã có 59 máy tái chế giấy được lắp đặt và dự kiến đến cuối tháng này sẽ có thêm 19 máy khác được lắp đặt. Ước tính mỗi máy sẽ tái chế được khoảng 1 tấn giấy/tháng, tương đương bảo vệ được 17 cây xanh.

Máy đổi phế liệu. Ảnh: SGrecycle.

Máy có thể thu hồi các loại giấy phế liệu thông thường, thư từ, sách, bìa cứng, tạp chí và báo. Các cảm biến bên trong máy sẽ giúp cân trọng lượng giấy nạp vào.

Để sử dụng máy, người dân sẽ đăng ký tài khoản với SGRecycle. Với mỗi kg giấy được thu hồi, người dân sẽ nhận lại 6 điểm thưởng, tương đương 6 cent vào ví kỹ thuật số.

Theo SGRecycle, 1.000 điểm thưởng có giá trị quy đổi 10 SGD. Đây là khoản tiền nhỏ nhất mà người dùng có thể rút qua một số dịch vụ như PayNow, PayLah!, ứng dụng điện thoại của SGRecycle hay chuyển khoản ngân hàng.

Theo PAP, khi tình hình dịch bệnh cho phép, đảng này sẽ triển khai các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của người dân về máy tái chế giấy, qua đó cải thiện tỷ lệ tái chế giấy ở các đơn vị hành chính do PAP quản lý. Bên cạnh việc khuyến khích người dân tái chế giấy, các hội đồng thị trấn của PAP cam kết giảm sử dụng giấy thông qua việc giảm các bản in tại văn phòng. Hội đồng cũng sẽ trả tiền cho nhà thầu qua các hình thức điện tử thay thế cho các tấm séc.

Chương trình lắp đặt máy tái chế giấy là một phần trong bước đầu của kế hoạch nhằm đảm bảo mỗi thị trấn do PAP quản lý đến năm 2025 có thể đạt mục tiêu “không rác thải, tiết kiệm năng lượng và xanh hơn”.

Một số nỗ lực khác của PAP nhằm thiết lập các khu dân cư bền vững bao gồm sử dụng hoàn toàn loại đèn LED tiết kiệm năng lượng, thay 3.000 thang máy hiện nay bằng mẫu thang máy tiết kiệm điện và bền hơn khi các sản phẩm cũ này hết hạn sử dụng vào năm 2025.

Các hoạt động bảo vệ môi trường khác của Singapore

Bên cạnh hòn đảo chôn rác nhân tạo đầu tiên trên thế giới, Singapore còn giữ được môi trường trong xanh bằng những hình phạt nghiêm khắc thông qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân không xả rác bừa bãi.

Semakau Landfill nổi tiếng là hòn đảo chôn rác nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Nhờ hệ thống này, từ 16.000 tấn rác mỗi ngày, sau khi đốt rác Singapore chỉ cần bãi đổ rác cho hơn 10% lượng rác đó. Đặc biệt, nhiệt năng sinh ra trong khi đốt rác được dùng để chạy máy phát điện đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện của Singapore.

Tuy nhiên, điểm mối chốt trong quản lý môi trường đô thị ở Singapore chính là ý thức của mỗi dân đảo quốc Sư tử.

Nổi tiếng nghiêm khắc về mặt thi hành pháp luật, Singapore đã áp dụng một cách cứng rắn các hình phạt để giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước. Không chỉ vậy, các vấn đề về môi trường cũng được đặt lên hàng đầu với các hình phạt nặng nề đối với việc xả rác bừa bãi. Người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 – 5.000 đôla và phải lao động công ích.

Trong khoảng vài giờ, người bị phạt trong bộ quần áo sáng màu đặc trưng sẽ phải làm sạch nơi công cộng, ví dụ nhặt rác tại công viên, đôi khi phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại sự kiện.

Nhà chức trách muốn thông qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân không xả rác bừa bãi. Tác dụng tích cực của động thái trên chính là đường phố Singapore vô cùng sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao.

Dương Anh

Bài liên quan
  • Thúc đẩy trách nhiệm tái chế và xử lý chất thải của nhà sản xuất
    Moitruong.net.vn – Ngày 4/11/2021, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN Việt Nam), Liên minh Không rác (Vietnam Zero Waste Alliance) và Nhóm tư vấn Chính sách và Luật về môi trường (e-Policy) phối hợp tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam” với sự tham dự của gần 90 đại biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Singapore: Máy đổi giấy phế liệu lấy tiền tại các điểm cộng