– Sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những giải pháp quan trọng hướng đến nền sản xuất nông nghiệp “xanh, sạch, an toàn, bền vững” và thân thiện với môi trường. Đây là một trong những mô hình sản xuất được Bộ NN&PTNT đánh giá cao.
>>>Thuốc trị sâu bệnh từ hỗn hợp hành, tỏi, ớt, gừng, vỏ cam
>>>Thừa Thiên Huế: Xưởng sản xuất thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường
Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, thời gian qua, TP. Hà Nội đã nhân rộng nhiều mô hình nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời, nhân rộng cơ sở, địa phương giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ cho cây trồng.
Mô hình sản xuất rau hữu cơ góp phần tạo nền sản xuất nông nghiệp ‘sạch’. Ảnh: Thành Nam
Điển hình là mô hình sản xuất gạo hữu cơ tại xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) – địa phương đầu tiên của Hà Nội triển khai trồng lúa hữu cơ khi được tiếp cận Dự án PAMCI của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Mô hình sử dụng 100% phân bón hữu cơ, nguồn nước tưới sông Bùi và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Không chỉ trên cây lúa, ngành Nông nghiệp Hà Nội còn xây dựng thành công nhiều mô hình trồng rau hữu cơ với nguyên tắc “6 không” (không: Phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ, biến đổi gen, kích thích sinh trưởng, thuốc bảo quản).
Còn tại vùng trồng rau an toàn thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) với tổng diện tích 62ha, trong đó có 15ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân chủ yếu sử dụng phân vi sinh, phân gà, lợn ủ hoai mục.
Đáng chú ý, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan xây dựng, phát triển được 25 chuỗi an toàn thực phẩm áp dụng mô hình giám sát cộng đồng (PGS). Theo đó, đã có 208 doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản, với số lượng tiêu thụ thông qua hợp đồng là 42 tấn/ngày. Sản phẩm của 25 chuỗi này được người tiêu dùng tin tưởng; thu nhập của người sản xuất cũng tăng nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong công tác quản lý, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ cây trồng, tăng năng suất sản phẩm trồng trọt. Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) thì tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn tiềm ẩn nguy cơ, làm tăng giá thành sản phẩm nông sản, tác động không nhỏ tới môi trường,…
Trước thách thức của biến đổi khí hậu, nguy cơ làm gia tăng dịch bệnh đối với cây trồng và những yêu cầu về chất lượng sản phẩm trồng trọt từ thị trường, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, việc làm đầu tiên là tuyên truyền để nông dân hiểu tác hại của phân bón hóa học đối với môi trường, với sức khỏe của chính người dân cũng như nguồn nông sản được tạo ra. Đồng thời, các đơn vị liên quan cần thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, thị xã mở những lớp tập huấn, trao đổi để nông dân nhận thức và chuyển hướng sang mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân giảm việc sử dụng phân bón hóa học, tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học,… Đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật.
Với nhiệm vụ được giao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều biện pháp như cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở giám sát, hướng dẫn nông dân sản xuất; kiểm tra quá trình sản xuất rau an toàn; mở các lớp tập huấn an toàn thực phẩm, các lớp IPM,… Bên cạnh đó, quản lý chặt đầu vào và loại bỏ được các loại thuốc kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường.
Thùy Trang (T/h)