Sương mù ô nhiễm khiến chất lượng không khí Hà Nội suy giảm

Hoàng Anh|17/11/2021 05:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 17/11, Hà Nội tiếp tục chìm trong bầu không khí đặc quánh của sương mù và bụi bẩn. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp của đợt ô nhiễm không khí này.

Theo phản ánh của người dân đi đường vào buổi sáng, nhiều trường hợp cảm nhận rõ hơi sương cuộn với mùi khét từ khói bụi gây cay mắt mũi…

Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội được cập nhật vào 7h sáng nay (17/11) đều vượt ngưỡng 176. Một số điểm chuyển sang cảnh báo tím (Thành Công 205).

Ngoài Hà Nội, chỉ số AQI tại các tỉnh, thành phố lân cận cũng ở ngưỡng có hại. Nhiều nơi như Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên… có AQI trên 200 đơn vị, mức độ ô nhiễm tương đương Hà Nội. Còn khu vực miền núi phía bắc ghi nhận chỉ số ô nhiễm không đáng kể, ở ngưỡng an toàn.

Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Quan sát bản đồ ô nhiễm có thể thấy khu vực đang có chất lượng không khí tốt nhất là từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận. Tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ, chất lượng không khí ở ngưỡng có hại cho sức khỏe khi AQI ở nhiều nơi trên 150 đơn vị.

Thông tin với báo chí, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, lý giải tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tái diễn tại Hà Nội những ngày qua do không khí lạnh đã suy yếu, trong khi mật độ các chất gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông và công trình xây dựng không giảm. Do đó, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán lên cao.

Đồng thời, độ ẩm cùng nền nhiệt ở Hà Nội tăng cao khiến trạng thái sương mù xuất hiện, khiến mức độ ô nhiễm không khí nặng nề hơn, bầu không khí đặc quánh. Những ngày tới, khi không khí lạnh tràn về, trời sẽ quang trở lại, bụi bẩn được khuếch tán và từ đó, ô nhiễm không khí sẽ giảm.

Theo chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tái diễn nhiều năm nay và thường gia tăng tần suất, mức độ ô nhiễm vào thời kỳ thu đông. Thông thường, “mùa ô nhiễm” của Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 9 nhưng đến năm nay bắt đầu muộn hơn. Nguyên nhân là những tháng trước đó, việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 khiến hoạt động giao thông và xây dựng giảm đáng kể.

Những ngày gần đây, khi các hoạt động phát thải gia tăng trở lại, cộng với điều kiện thời tiết bất lợi khiến người dân nhìn rõ ô nhiễm không khí bằng mắt thường. Ông Tùng nhấn mạnh thời tiết không phải nguyên nhân, mà chỉ là một trong những tác nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng. Nguyên nhân chính vẫn đến từ các hoạt động phát thải của con người.

Tình trạng bụi mịn đã xuất hiện từ nhiều năm nay, đã trở thành vấn nạn đe dọa sức khỏe, tính mạng của cộng đồng, nhất là người dân ở các thành phố lớn. Trong cuộc họp của Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ ngành cùng lãnh đạo chính quyền và các cơ quan chức năng của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bàn giải pháp kiểm soát chất lượng môi trường không khí, Bộ trưởng Trần Hồng Hà Bộ cũng phải thừa nhận: “ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ năm 2017 trở lại đây gia tăng khiến người dân lo lắng”.

Trước tình hình trên, người dân nên hạn chế tập thể dục và các hoạt động ngoài trời, đặc biệt vào sáng sớm và chiều tối, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường, nhất là tại các khu vực đông dân.

Hoàng Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Sương mù ô nhiễm khiến chất lượng không khí Hà Nội suy giảm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.