Tác động của biến đổi khí hậu (Bài 2): Nhân loại vừa trải qua năm 2019 nóng kỷ lục

An Nhiên|24/06/2020 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử và tác động của việc toàn cầu ấm lên có thể được cảm nhận qua thời tiết cực đoan.

Trong những năm gần đây, con người đã chứng kiến các đợt nắng nóng đỉnh điểm đến gần 50 độ C ở Australia, Ấn Độ hay lên tới 41 độ C ở những xứ lạnh như châu Âu, Canada và Mỹ làm nhiều người tử vong. Mặc dù hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 kêu gọi giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất dưới ngưỡng 2 độ C, nhưng hành tinh của chúng ta hiện đang trên đà nóng lên gấp đôi con số này. Các tổ chức khí tượng và môi trường của LHQ dự báo nhiệt độ toàn cầu có thể tăng thêm từ 3-5 độ C trong thế kỷ XXI, vượt xa so với mục tiêu hạn chế ở mức 1,5 – 2 độ C theo Hiệp định Paris.

Nhiều đợt nắng nóng kỷ lục, mùa hè dài hơn

Nắng nóng kéo dài, mùa Hè dài hơn

Các đợt nắng nóng kéo dài khiến đất đai khô cằn, gây ra tình trạng khan hiếm nước sạch, cháy rừng lan rộng mất kiểm soát, bão bụi và lũ quét. Các đợt nóng kéo dài còn dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, xuất hiện những bệnh nguy hiểm như đột quỵ, say nắng, ảnh hưởng tới tim mạch, thận…

Mùa Hè tại Australia ngày càng kéo dài hơn, thậm chí gấp đôi, trong khi mùa Đông đang dần bị rút ngắn do biến đổi khí hậu. Giới chuyên gia quan ngại, nắng nóng kéo dài có thể tác động xấu tới kinh tế và sức khỏe người dân.

Theo Viện nghiên cứu Australia có trụ sở tại Canberra, so sánh dữ liệu trong 2 thập kỷ qua, trung bình mỗi năm mùa hè tại Australia đã kéo dài thêm 31 ngày so với những năm 50 của thế kỷ trước. Tính trong vòng 5 năm qua, các mùa hè của Australia đã kéo dài thêm 50% so với thời điểm đó, trong khi mùa đông thì lại ngắn đi khoảng 3 tuần. Sydney có thêm 28 ngày trời nắng nóng mỗi năm thì Melbourne phải trải qua thêm 38 ngày trời nắng nóng nữa.

Các chuyên gia nhận định, trái đất ấm lên đang khiến mùa hè tại Australia nguy hiểm hơn, ảnh hưởng tới công tác phòng chống cháy rừng trong mùa đông cũng như tác động xấu tới sức khỏe và kinh tế.

Mùa hè vừa qua, nắng nóng gay gắt đã khiến Australia hứng chịu đợt cháy rừng nghiêm trọng với hơn 30 người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy và ít nhất một triệu động vật chết cháy.

Nắng nóng gây ra thảm họa cháy rừng ở Australia

Đi chệch hướng mục tiêu ngăn nhiệt độ tăng

Theo nội dung của Thỏa thuận Paris 2015, các quốc gia cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và giới hạn ở 1,5 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp để hạn chế những tác động xấu của vấn đề nóng lên toàn cầu.

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc tháng 10-2018 công bố tin dữ: Trái đất đã nóng lên 1 độ C và thế giới đang đi chệch hướng đến mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C.

Chênh lệch 0,5 độ C, theo các nhà khoa học, đã tạo ra sự khác biệt đáng kể cho trái đất. Năm 2019, lần đầu tiên thông điệp về sự chênh lệch này đã được nhấn mạnh trên toàn cầu.

Bà Corinne Le Quere, chủ tịch Cao ủy về biến đổi khí hậu của Pháp và là thành viên của Ủy ban biến đổi khí hậu của Anh, cho biết: “Tôi đã làm việc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu 30 năm qua với tư cách là nhà khoa học và có đến 29 năm không ai chú ý đến những gì chúng tôi làm”.

Báo cáo của IPCC kết luận phát thải CO2 toàn cầu phải giảm 45% vào năm 2030 và đạt mức cân bằng giữa lượng phát thải tạo ra và hấp thu lại vào năm 2050 để nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C.

Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc vừa điều chỉnh những cảnh báo của họ: Lượng phát thải carbon toàn cầu phải giảm 7,6% mỗi năm đến năm 2030 thì chúng ta mới có cơ hội đạt mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C.

Tuy nhiên, thế giới đang đi chệch hướng vì năm 2019, mức phát thải CO2 toàn cầu dự báo sẽ tăng 0,6%.

Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP25 ở Madrid trong tháng 12 đã hầu như không đạt được sự đồng thuận của các quốc gia về một kế hoạch nhằm đối phó với tình trạng trái đất nóng lên. Kết quả hội nghị là một sự thất vọng và hơn hết, nó thiếu những cam kết mà các nhà khoa học cho là cần thiết để giải quyết khủng hoảng khí hậu.

San hô tẩy trắng ở rạn san hô Great Barrier, Australia

Nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục

Ngày 14/1, các nhà khoa học khẳng định, năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử của các đại dương trên thế giới, trong bối cảnh khí thải do con người tạo ra đã khiến biển ấm lên với tốc độ nhanh chưa từng thấy, dẫn đến những tác động thảm khốc với khí hậu trái đất.

Đại dương hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa do khí thải gây hiệu ứng nhà kính tạo ra. Do đó, việc tính xem nhiệt độ đại dương tăng lên bao nhiêu trong những năm gần đây sẽ giúp các nhà khoa học tính toán chính xác hơn mức độ ấm lên của toàn cầu.

Một nhóm các chuyên gia trên khắp thế giới đã xem xét dữ liệu của Viện Vật lý khí quyển (IAP) để có cái nhìn rõ ràng hơn về tình trạng đại dương ấm lên ở độ sâu tới 2.000m trong vài thập kỷ qua.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử và tác động của việc toàn cầu ấm lên có thể được cảm nhận qua thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng và hệ sinh thái biển bị hủy hoại.

Nghiên cứu này được đăng trên tạp chí Advances in Atmospheric Sciences.

Theo nghiên cứu, nhiệt độ của đại dương vào năm ngoái cao hơn 0,075 độ C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn 1981-2010. Điều này đồng nghĩa với việc trái đất đã hấp thụ 228 Zetta Joules năng lượng trong những thập kỷ gần đây.

Trưởng nhóm nghiên cứu Cheng Lijing, Phó Giáo sư Trung tâm Khí hậu và khoa học môi trường quốc tế của IAP, đánh giá lượng nhiệt mà con người đã thải ra đại dương trong 25 năm qua tương đương với 3,6 tỷ vụ nổ bom nguyên tử Hiroshima. Nghiên cứu nhấn mạnh 5 năm vừa qua chính là giai đoạn nóng nhất của đại dương.

Năm 2019, đại dương đã hấp thụ nhiều hơn 25 Zetta Joule năng lượng so với năm 2018.

Giám đốc Trung tâm Khoa học hệ thống Trái Đất của bang Pennsylvania, ông Michael Mann nêu rõ con số trên tương đương với việc tất cả mọi người trên hành tinh cùng chạy 100 máy sấy tóc và 100 lò vi sóng liên tục trong cả năm.

Chỉ với việc tăng thêm 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, biến đổi khí hậu đã khiến trái đất phải trải qua hàng loạt thảm họa như hạn hán, siêu bão, lũ lụt, cháy rừng.

Nghiên cứu cho thấy, có mối liên hệ rõ ràng giữa các thảm họa liên quan đến khí hậu như cháy rừng trong nhiều tháng tại Australia, với tình trạng các đại dương ấm lên. Biển ấm lên đồng nghĩa với việc sẽ tăng hiện tượng bốc hơi, dẫn đến nhiều mưa. Tuy nhiên, điều này cũng khiến khí quyển đòi hỏi bốc hơi nhiều hơn.

Tình trạng này sẽ dẫn đến khô hạn tại các lục địa, nguyên nhân chính dẫn tới cháy rừng từ Amazon cho tới Bắc Cực, bang California của Mỹ và Australia.

Đặc biệt, tình trạng đại dương nóng lên cũng đang lan rộng, dẫn đến mực nước biển dâng. Năm ngoái, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng, vào cuối thế kỷ này, hàng chục triệu người có thể phải di dời khỏi các vùng ven biển do tình trạng xâm thực.

Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt mục tiêu giảm mức tăng nhiệt độ của trái đất ở mức 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, do đại dương có khả năng hấp thụ nhiệt cao hơn hẳn so với khí quyển, các nhà khoa học tin rằng nó sẽ tiếp tục ấm lên kể cả khi con người có thể giảm khí thải theo mục tiêu của Hiệp định Paris.

Theo nghiên cứu, nếu con người có thể ngừng khiến trái đất ấm lên, các đại dương vẫn sẽ tiếp tục hấp thụ nhiệt trong nhiều thế kỷ trước khi có thể ổn định trở lại.

Băng đang biến mất nhanh chưa từng thấy

Băng tan khiến nước biển dâng cao

Các vùng cực đặc biệt nhạy cảm với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực tăng nhanh gấp đôi các vùng khác và băng cũng đang tan rất nhanh. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề tới con người và hệ động, thực vật khu vực mà còn khiến mực nước biển dâng cao. Dự kiến đến năm 2.100, nước biển sẽ dâng lên khoảng 30 – 130 cm, đe dọa hệ san hô và các khu vực thấp của thế giới. Các quốc đảo và những thành phố lớn như New York, Los Angeles, Mumbai, Sydney, Rio de Janeiro… sẽ chìm dưới nước.

Bên cạnh đó, nước biển cũng có độ axit cao hơn, phần lớn là do hấp thụ khí thải. Nếu nồng độ này tiếp tục tăng lên, hệ sinh vật dưới biển sẽ phải đối mặt với nguy cơ diệt vong lớn, nhất là các loài có vỏ hoặc xương như thân mềm, cua và san hô.

Rõ ràng, BĐKH khiến tương lai loài người trở nên mong manh. Điều đáng sợ là đã quá muộn để quay ngược chiều kim đồng hồ, khi chúng ta thải vào không trung lượng khí thải khổng lồ. Dù có ngừng mọi hoạt động tạo ra CO2, con người cũng sẽ vẫn phải đối mặt với hậu quả. Tuy nhiên, nếu tích cực giảm lượng khí thải toàn cầu, hậu quả của BĐKH sẽ nhẹ hơn.

Sự nóng lên toàn cầu chủ yếu là do tác động của con người, có ảnh hưởng vô cùng lớn đến đời sống và sức khỏe của con người. Nhận thức đúng đắn trong vấn đề bảo vệ môi trường để sớm hành động để bảo vệ ngôi nhà chung luôn xanh.

An Nhiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác động của biến đổi khí hậu (Bài 2): Nhân loại vừa trải qua năm 2019 nóng kỷ lục