Tái sử dụng nước thải ở Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn

Minh Trang|16/11/2023 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đến thời điểm này, các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản đã, đang xây dựng hệ thống xử lý nước tập trung, có thiết bị, công nghệ để xử lý đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT). Tuy nhiên, phần lớn nước thải sau xử lý đều xả ra sông, suối mà rất ít tái sử dụng.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) và 2 khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô và cửa khẩu A Đớt với hơn 173 đơn vị, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Trưởng phòng TN&MT, Ban Quản lý KKT, CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tổng lượng nước thải phát sinh tại các KCN, KKT trên địa bàn hơn 8 nghìn m3/ngày đêm, trong đó phần lớn được đưa về các khu xử lý tập trung. Tại đây, nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường rồi xả ra nguồn tiếp nhận. Cũng theo ông Dũng, hiện các cơ chế, chính sách, tiêu chí cụ thể về TSDNT công nghiệp chưa thống nhất, thiếu đồng bộ dẫn đến DN khó áp dụng, dù nhiều đơn vị có nhu cầu.

Ông Dũng chia sẻ, theo Điều 72 Luật Bảo vệ môi trường 2020 có quy định: Nước thải được khuyến khích tái sử dụng khi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và mục đích sử dụng nước. Hơn nữa theo Khoản 3, Điều 74 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ban hành tháng 1/2022 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng nêu: Nước thải được tái sử dụng khi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành phù hợp với mục đích sử dụng nước. Nhưng vì chưa có quy chuẩn kỹ thuật hoặc hướng dẫn kỹ thuật, quy định liên quan đến TSDNT cho mục đích nước tưới cây nên nhiều DN không làm được.

tai-su-dung-nuoc-thai.jpg
Đầu tư thiết bị, công nghệ trong hệ thống xử lý nước thải tại Công ty Phenikka Huế tại KCN Phong Điền

Đại diện lãnh đạo công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển hạ tầng KCN Phú Bài thông tin, đơn vị đang vận hành hệ thống xử lý nước thải công suất thiết kế 6.500m3/ngày đêm. Nước thải từ các cơ sở sản xuất được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn của Bộ TN&MT rồi xả ra suối. Đơn vị đã nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước để tìm giải pháp TSDNT nhưng vì chưa có quy chuẩn chính thức nên chưa thực hiện. Việc này đã ảnh hưởng đến các đơn vị doanh nghiệp sản xuất kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm môi trường sinh thái, làm lãng phí nguồn nước đáng kể...

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, trước đây Bộ TN&MT có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dùng cho tưới tiêu, trong đó có quy định doanh nghiệp được phép tái sử dụng nước thải (TSDNT) cho mục đích tưới cây nếu chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, nhưng quy chuẩn này đã hết hiệu lực. Năm 2022, Chính phủ ban hành nghị định trong đó giao Bộ Nông nghiệp &Phát triển Nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật hoặc hướng dẫn kỹ thuật về nước tưới cây nhưng đến nay vẫn chưa ban hành. Do đó, nước thải công nghiệp sau xử lý chủ yếu xả ra sông, suối... là điều lãng phí.

Theo ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT vẫn chưa thống nhất được quy chuẩn kỹ thuật TSDNT. Hệ quả không chỉ nguồn nước sạch bị lãng phí mà DN khó đạt tiêu chí kinh tế tuần hoàn, KCN với tiêu chí “xanh”, sinh thái.

Lãnh đạo Sở TN&MT chia sẻ, TSDNT là vấn đề đang được các DN quan tâm. Bởi lẽ, tại các KCN nguồn nước thải lớn, diện tích cây xanh chiếm 15-20% tổng quỹ đất, nếu được TSDNT để tưới cây xanh, thảm cỏ sẽ tiết kiệm được nước, tiết kiệm được chi phí mua nước. Ngoài ra nguồn nước này cũng có thể dùng để phục vụ nhu cầu khi sản xuất kinh doanh trong các đơn vị, doanh nghiệp, hoặc rửa đường trong các KCN.

Thực tế nước thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn là tài nguyên. Thế nhưng tài nguyên này không được tái sử dụng là điều lãng phí. Do vậy bộ, ngành chức năng cần sớm ban hành quy định cụ thể về TSDNT trong sản xuất và quy chuẩn kỹ thuật đối với nước thải công nghiệp khi tưới cây, hoặc sử dụng hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.

Đáng nói hơn hiện nay nhiều, đơn vị, doanh nghiệp ở địa phương đang thực hiện hướng đến mục tiêu kinh tế tuần hoàn nhưng vì các quy định chưa rõ ràng, chưa đồng bộ hoặc chậm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn dẫn đến DN chưa thực hiện được, mất đi cơ hội hợp tác xuất khẩu sang các thị trường đề cao tiêu chí môi trường.

Để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy việc thực hiện kinh tế tuần hoàn, các bộ, ngành Trung ương, địa phương cần tham mưu ban hành các văn bản pháp lý rõ ràng cho TSDNT. Vì việc thực hiện quy định này liên quan đến tiêu chí xanh của doanh nghiệp, sinh thái của các KCN, KKT.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, pháp luật hiện nay cơ bản đã thiết lập về chủ trương, chính sách và có các cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên từng nội dung, lĩnh vực cụ thể vẫn còn những hạn chế, trong đó có quy định TSDNT. Vì thế vấn đề đặt ra các các ban, ngành chức năng địa phương nên tổ chức hội thảo đánh giá mức độ đáp ứng của pháp luật, phân tích những tồn tại, hạn chế trong thực thi pháp luật bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Trong đó nhu cầu TSDNT của các đơn vị trong các KCN, KKT để có cơ sở đề xuất kiến nghị sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về việc TSDNT một cách hợp lý.

Bài liên quan
  • Tái sử dụng nước thải mỏ phục vụ sản xuất than
    Với việc tái sử dụng nước thải làm nguồn nước phục vụ trở lại cho sản xuất than ở Công ty Môi trường Mỏ - TKV, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đảm bảo không gây lãng phí nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái sử dụng nước thải ở Thừa Thiên Huế gặp nhiều khó khăn