Tăng cường xử lý vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi ở Quảng Ngãi

Tuấn Kiệt|26/06/2024 10:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Vi phạm hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động tưới, tiêu phục vụ sản xuất, mà còn gây mất an toàn công trình và hoạt động phòng, chống thiên tai. Thời gian tới, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi cần tăng cường các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm theo đúng pháp luật.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi), từ năm 2018 đến nay, chính quyền các địa phương đã phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xử lý 90/244 vụ vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, có 2/90 vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi (theo Nghị định số 03/2022/NĐ-CP của Chính phủ), còn lại là buộc tháo dỡ và khôi phục lại hiện trạng ban đầu của công trình.

Ông Võ Đoàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, các vụ vi phạm tập trung ở việc lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên hành lang công trình thủy lợi, hoặc xây cầu trái phép bắc qua sông, kênh thủy lợi, gây cản trở dòng chảy làm mất an toàn công trình, cũng như ảnh hưởng đến tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm thì thời gian qua, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã tập trung lập phương án cắm mốc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đối với 11 công trình đập, hồ chứa nước. Qua đó, vừa hạn chế tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, vừa giúp lực lượng chức năng thuận lợi hơn trong việc xử lý những vi phạm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa - ông Trần Thiên Thanh, công trình thủy lợi nằm xen kẽ trong khu dân cư và bờ kênh được kết hợp làm đường giao thông, nên việc xây dựng các công trình tạm, cầu thô sơ qua kênh, làm hàng rào, trồng cây trong phạm vi bảo vệ công trình thường xuyên xảy ra. Trong khi đó, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm. Còn chính quyền một số địa phương thì chủ quan, lơ là, nể nang và né tránh xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

Ngoài ra, một số văn bản của các cấp, ngành ban hành về lĩnh vực này còn chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến khó khăn cho cơ sở khi triển khai, nhất là quy trình thủ tục, thẩm quyền cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Vì vậy, hình thức xử lý vi phạm chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ, khôi phục hiện trạng, chứ ít xử phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe.

Chấn chỉnh tình trạng này, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Công văn 2271 của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường xử lý vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi, đảm bảo chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như an toàn công trình trong mùa mưa, lũ 2024.

Sở NN&PTNT tĩnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tổ chức thống kê, phân loại, đánh giá tình hình cũng như mức độ ảnh hưởng của các vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, cần làm rõ tính chất, mức độ, nguyên nhân, hướng xử lý và kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Ngoài ra, cần rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình, qua đó kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định... Đồng thời, tăng cường cắm mốc giới trên thực địa và công bố công khai trước khi bàn giao cho UBND cấp xã nơi có công trình để quản lý.

cong-trinh-thuy-loi.jpg
Ảnh minh họa

Tăng cường bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - ông Trần Phước Hiền đã ký Công văn số 2588/UBND-KTN chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều trong mùa mưa, lũ năm 2024.

Đối với công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2024, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, khai thác công trình thủy lợi để bảo đảm an toàn công trình, phát huy tốt hiệu quả khai thác công trình và phòng, chống thiên tai.

Chủ động sử dụng mọi nguồn lực của cơ quan, địa phương, đơn vị và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ triển khai thi hành hệ thống luật pháp về thủy lợi; sửa chữa, khắc phục kịp thời các hư hỏng công trình nhằm bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa, lũ năm 2024.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi tổ chức đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi; triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn công trình trước, trong mùa mưa, lũ năm 2024.

Đối với các công trình thủy lợi đang thi công, đôn đốc các chủ đầu tư triển khai các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng dự án thủy lợi bảo đảm hoàn thành hoặc kết thúc điểm dừng kỹ thuật hợp lý trước mùa mưa lũ năm 2024 nhằm đảm bảo an toàn cho công trình; xây dựng và triển khai phương án ứng phó thiên tai cho công trình nhằm bảo đảm an toàn trong mọi tình huống, đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng vật tư, nhân lực, xe máy để ứng phó kịp thời khi mưa, lũ lớn xảy ra. Tổ chức kiểm tra tình hình quản lý khai thác, công tác bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi trước mùa mưa, lũ năm 2024 đối với các công trình thủy lợi đang khai thác và đang thi công xây dựng; tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh trước ngày 15/8/2024.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi trước mùa mưa, lũ năm 2024 (đối với công trình thủy lợi đang khai thác sử dụng được UBND tỉnh phân cấp quản lý và các công trình đang thi công do địa phương quyết định đầu tư, làm chủ đầu tư); báo cáo kết quả kiểm tra về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/7/2024.

Triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi trước, trong mùa mưa, lũ năm 2024 theo quy định, kể cả các công trình đang thi công do địa phương quyết định đầu tư, làm chủ đầu tư. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quản lý khai thác và an toàn công trình đối với các công trình được UBND tỉnh phân cấp quản lý.

Rà soát việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và tiếp tục đôn đốc, bố trí kinh phí hỗ trợ cho phòng chuyên môn, các tổ chức khai thác công trình thủy lợi thực hiện các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao.

Chuẩn bị tốt công tác huy động nhân lực, vật tư, thiết bị,… theo phương án ứng phó thiên tai đã được các địa phương phê duyệt để sẵn sàng triển khai, thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình khi có tình huống xấu xảy ra.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Quảng Ngãi triển khai thực hiện đồng bộ với các nhiệm vụ của UBND các huyện, thị xã, thành phố được giao trên. Tổ chức vận hành thử các cống tiêu, cửa van, thiết bị phục vụ xả lũ hồ chứa và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành.

Đối với các hồ chứa nước có cửa van điều tiết lũ, đặc biệt là hồ chứa Nước Trong: Phải quan trắc 04 lần/ngày và tính toán lưu lượng nước đến hồ, dự tính khả năng gia tăng mực nước hồ để chủ động vận hành hồ chứa chống lũ an toàn. Cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 02 lần/ngày trong điều kiện thời tiết bình thường và 04 lần/ngày khi có mưa, lũ trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ lên trang điện tử của Cục Thủy lợi (www.thuyloivietnam.vn).

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trong giai đoạn xây dựng quy định tại Điều 5 Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư; đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng hoàn thành công trình hoặc kết thúc điểm dừng kỹ thuật hợp lý trước mùa mưa lũ năm 2024 nhằm đảm bảo an toàn cho công trình.

Đối với các công trình đê, kè đang triển khai thi công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc chủ đầu tư các công trình trên tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2024. Trường hợp, công trình có thời gian thực hiện được cấp thẩm quyền phê duyệt sau năm 2024 thì phải có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn khi có lũ, bão.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè và huy động mọi nguồn lực để chủ động xử lý những hư hỏng phát sinh trước, trong mùa mưa lũ, đảm bảo duy trì năng lực phòng, chống lũ, sạt lở của công trình trong mùa mưa, lũ năm 2024.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án ứng phó, đảm bảo an toàn công trình đê, kè khi có mưa, lũ xảy ra trong năm 2024 theo đúng quy định.

Ngoài ra, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có giải pháp phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cống dưới đê, kè trong lũ, bão; chủ động, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê trong lũ, bão và công tác quản lý đê điều.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường xử lý vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi ở Quảng Ngãi