Ngày đầu tái lập tỉnh (tháng 4/1992), toàn bộ nước sinh hoạt và sản xuất chủ yếu dựa vào hệ thống thủy lợi (HTTL) Nha Trinh - Lâm Cấm. Để giải bài toán an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), những năm qua tỉnh đã chỉ đạo tiến hành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tìm kiếm, tiết kiệm và tích trữ nguồn nước. Mục tiêu chung là từng bước hoàn thiện HTTL trên địa bàn tỉnh theo hướng đa mục tiêu phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Để hiện thực “giấc mơ” về nguồn nước, tỉnh đã tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương, huy động nhiều nguồn lực từng bước đầu tư mạng lưới thủy lợi theo lộ trình từng giai đoạn, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.
Sau 32 năm thực hiện chiến lược phát triển thủy lợi, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình hồ chứa nước, đập ngăn nước, hệ thống kênh mương được xây dựng bài bản đảm bảo đưa nước đến những khu vực khó khăn về nước tưới. Nhờ đó, diện tích canh tác ngày được mở rộng, sản xuất nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 thích ứng biến đổi khí hậu; quy hoạch nghiên cứu toàn diện, tổng thể hệ thống cấp nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt nông thôn, thoát lũ và phòng, chống xâm nhập mặn. Triển khai giải pháp kết nối liên thông hồ bằng đường ống đưa nước từ hồ Sông Cái - đập Tân Mỹ về các khu tưới phía Bắc của tỉnh; kết nối lưu thông lưu vực hồ Cho Mo với lưu vực Suối Ngang hồ Phước Trung; lưu vực hồ Tân Giang với hồ Sông Biêu và hồ Suối Lớn nhằm điều tiết hài hòa nguồn nước giữa các vùng.
Hiện tại, toàn tỉnh Ninh Thuận có nhiều công trình thủy lợi vừa và lớn mang tính chiến lược trong phát triển KT-XH của tỉnh; trong đó, một số công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, như: HTTL Tân Mỹ có tổng vốn đầu tư 5.951 tỷ đồng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư hoàn thành cuối năm 2021 đã góp phần “giải khát” cho Ninh Thuận. HTTL Tân Mỹ được biết đến là HTTL hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Công trình gồm cụm hồ Sông Cái có dung tích 219 triệu m3, HTTL Tân Mỹ đưa vào sử dụng đảm bảo cấp nước tưới cho 1.969,43ha trên địa bàn các xã: Tân Sơn, Mỹ Sơn, Nhơn Sơn (Ninh Sơn), xã Phước Hòa, Phước Trung (Bác Ái); cấp nước tưới bổ sung cho khu tưới các hồ chứa và đập dâng khoảng 1.957ha, gồm: Khu tưới hồ Cho Mo 662ha, hồ Phước Trung 375ha, hồ Thành Sơn 150ha; khu tưới vùng cuối kênh Bắc thuộc hệ thống Nha Trinh 770ha và tiếp nước cho 12.800ha đất thuộc khu tưới HTTL Nha Trinh - Lâm Cấm.
Sắp tới, khi Tiểu dự án phát triển thủy lợi phục vụ nông nghiệp công nghệ cao Nhơn Hải - Thanh Hải và Dự án hệ thống chuyển nước Tân Mỹ - hồ Bà Râu - hồ Sông Trâu hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp Ninh Thuận hoàn toàn chủ động nguồn nước. Ngoài ra, nước từ HTTL Tân Mỹ sẽ được điều tiết về hồ Bà Râu, hồ Sông Trâu, hồ Ông Kinh, giúp cho các vùng hưởng lợi nguồn nước từ các hồ có thể sản xuất 3 vụ/năm, tăng thu nhập người dân, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh, đồng thời tạo nguồn cho thủy điện tích năng Bác Ái công suất 1.200MW.
Cùng với đó, một số dự án thủy lợi trọng điểm của tỉnh cũng đang được triển khai xây dựng. Cụ thể, dự án hồ chứa nước Sông Than, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn) với dung tích chứa hơn 85 triệu m3 nước, có tổng mức đầu tư hơn 1.040 tỷ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ. Công trình sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ cấp nước tưới cho 4.500ha đất canh tác, nước sinh hoạt cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu. Đây là công trình có ý nghĩa to lớn trong việc tạo kết cấu hạ tầng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhằm xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của nhân dân trong vùng dự án, góp phần bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ, giảm lũ cho khu vực hạ lưu và tạo cảnh quan du lịch.
Đồng chí Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết: Những năm qua, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn, chương trình hỗ trợ, tỉnh đầu tư xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, hệ thống kênh đầu mối, kênh cấp II và mương cấp III, kênh mương nội đồng đã tăng nhanh năng lực tưới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo môi trường tự nhiên, xóa đói, giảm nghèo, giảm nhẹ thiên tai. Qua đó, giúp nhân dân có điều kiện khai thác hết diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp từ 2-3 vụ/năm, đảm bảo dung tích trữ nước đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH. Nhờ từng bước hoàn thiện các công trình thủy lợi đã làm hồi sinh nhiều vùng đất khô cằn. Có nước, người dân mở rộng sản xuất, hàng nghìn ha đất hoang hóa đang được cải tạo trở thành những vùng sản xuất nho, táo, hành, tỏi, măng tây xanh, nha đam, dưa lưới công nghệ cao.
Qua 32 năm thực hiện chiến lược phát triển thủy lợi đã thu được nhiều thành tựu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 22 hồ chứa với dung tích 520 triệu m3, tăng gấp 3,15 lần so với ngày đầu tái lập tỉnh; đầu tư trên 1.474km kênh đầu mối, kênh cấp II, cấp III, kênh mương nội đồng. Nhờ đó, diện tích gieo trồng được tưới chủ động tăng. Qua đó, phục vụ đắc lực cho định hướng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, như: Nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, du lịch.