(Moitruong.net.vn) – Trong khi Nhà nước có chủ trương hạn chế dùng tiền mặt, khuyến khích dùng thẻ ATM trong giao dịch thì các ngân hàng lại tăng phí, gây khó dễ đối khách hàng. Điều này vô hình chung cản trở việc người dân sử dụng dịch vụ thẻ ATM.
>>>Các ngân hàng trong nước đồng loạt tăng phí rút tiền tại cây ATM
Ảnh minh họa
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) – cho rằng, việc tăng phí rút tiền hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều. Trong khi ngân hàng giải thích tăng phí để bù lỗ và nâng cao chất lượng dịch vụ… thì phía khách hàng lại cho rằng, việc tăng phí là gây khó dễ, hạn chế người dùng giao dịch thẻ ATM…
Theo ông Long, thời gian đến, Ngân hàng Nhà nước cần lập một cơ quan tư vấn độc lập kiểm tra, tính toán chi phí hạch toán, chất lượng dịch vụ thật sự của các ngân hàng đã đúng so với cam kết hay không.
Ông Long nhận định, việc nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt công bố mức phí tăng trong cùng một thời gian là bất thường, có sự liên kết với nhau để ép khách hàng.
“Trong khi nhà nước có chủ trương hạn chế dùng tiền mặt, khuyến khích dùng thẻ ATM trong các giao dịch… thì các ngân hàng lại tăng phí, gây khó dễ đối khách hàng. Điều này vô hình chung cản trở việc người dân sử dụng dịch vụ thẻ ATM” – ông Long nói.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước có quyết định tạm ngừng việc tăng phí sau khi các ngân hàng Vietcombank, VietinBank và Agribank quyết định tăng phí rút nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.560 đồng.
Động thái của Ngân hàng Nhà nước đưa ra với lý do yêu cầu các ngân hàng cần minh bạch thông tin. Điều đó có nghĩa, sau khi đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng vẫn sẽ “thẳng thừng” tăng phí ATM trong đầu tháng 7.
Việc tăng phí rút tiền nội mạng ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 38,73 triệu chủ thẻ, tương đương hơn 50% số người dùng phải trả thêm phí khi rút tiền tại ATM của chính ngân hàng phát hành thẻ.
Theo lý giải của một số ngân hàng, chi phí cho một giao dịch tại ATM mà các nhà băng phải chi trả (gồm cả chi phí bảo trì, bảo dưỡng) là từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng. Mặc dù đã thông báo, có lời giải thích nhưng lần điều chỉnh này của các ngân hàng lớn đã vấp phải sự phản ứng trái chiều của khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Thu Minh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nêu thực tế: Hiện tại phí thu dựa trên số lượng giao dịch tại cây ATM chứ không phải dựa trên giá trị số tiền rút.
“Việc ngân hàng áp dụng hạn mức rút trong một ngày (mức 30- 50 triệu đồng) cũng như số tiền tối đa cho một lần rút nội mạng thấp (tối đa khoảng 5-10 triệu đồng) làm chúng tôi rút nhiều lần hơn và tốn phí hơn” – chị Minh băn khoăn.
Theo LĐO