Tây Nguyên: Để du lịch văn hóa sinh thái phát triển bền vững

Hồng Minh (T/h)|08/03/2020 07:28
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việc phát triển du lịch nói chung, phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái nói riêng ở Tây Nguyên hiện còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa sinh thái. Nơi đây có rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng, phong phú bậc nhất cả nước. Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện có 6 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên quý giá như: Vườn quốc gia Kon Ka King, Chư Mom Ray, Yok Đôn, Chư Yang Sin, Bidup – Núi Bà, Cát Tiên; các khu bảo tồn Ngọc Linh, Đắk Uy, Nam Ka, Ea Sô, Nam Nung… hiện đang được các tỉnh quy hoạch, xây dựng thành những khu du lịch sinh thái quy mô lớn, có sức hút đối với du khách quốc tế.

Đặc biệt, đây còn là vùng đất sản sinh và lưu giữ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo như các lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… của các dân tộc như Êđê, M’Nông, Ba Na, Xê Đăng, Gia jai, K’ho… Tất cả tạo nên những tiềm năng to lớn cho công tác xây dựng, phát triển vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên.

Du khách trải nghiệm cưỡi voi tham quan Khu Du lịch Buôn Đôn. Ảnh: Hoàng Gia

Bên cạnh các lễ hội truyền thống của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên vốn được các doanh nghiệp lữ hành trong khu vực đầu tư khai thác, phục vụ du khách, thì các lễ hội đương đại ở Tây Nguyên được xây dựng, hoàn thiện trong những năm gần đây như Festival Cồng chiêng Tây Nguyên, Festival Trà ở bảo Lộc, Festival Hoa Đà Lạt… cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá với du khách bức tranh du lịch văn hóa, sinh thái giàu gam màu, họa tiết trên vùng đất vốn được mệnh danh là xứ sở cao nguyên của “nắng và gió”.

Với những tiềm năng phong phú, đa dạng nêu trên nhưng việc phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái ở các tỉnh Tây Nguyên thời gian qua chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Việc phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái ở khu vực này chưa có được sự liên kết giữa các tỉnh; cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; chưa kết hợp được chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; trong quá trình khai thác du lịch, công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và các sản phẩm của rừng chưa được chú trọng dẫn đến nhiều hệ lụy…

Những hạn chế này lý giải vì sao dù có nhiều tiềm năng song loại hình du lịch văn hóa sinh thái ở các tỉnh Tây Nguyên chưa có được sức hút lớn đối với khách du lịch; thời gian lưu trú của du khách ngắn; tỷ lệ trở lại của khách du lịch quay lại không cao…

Theo các chuyên gia, để phát huy được tiềm năng trong phát triển du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên, trước hết cần có cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù từng tỉnh trong khu vực, như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, từ đó thu hút nguồn đầu tư phát triển du lịch văn hóa sinh thái; có cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với vùng, miền của từng địa phương để xúc tiến phát triển du lịch sinh thái văn hóa; có chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng như lễ hội văn hóa truyền thống, trải nghiệm đời sống văn hóa dân tộc tại chỗ… từ đó tạo sức hút đối với du khách; tăng cường các hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch văn hóa sinh thái, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề” mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Tây Nguyên là nơi sản sinh hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, không nơi nào có được. Do đó, để phát huy tiềm năng của du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên cần đặc biệt coi trọng bảo tồn di sản văn hóa và huy động người dân tham gia làm du lịch cộng đồng; đặc biệt chú ý gắn bảo tồn với khai thác, phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số. Quan tâm phát huy sức hút từ các phong tục tập quán truyền thống của người dân địa phương đến đời sống văn hóa, ẩm thực, cồng chiêng Tây Nguyên… qua đó tăng khả năng hấp dẫn đối với du khách.

“Vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên” luôn có sức hút đặc biệt đối với du khách. Ảnh: Huy Hùng

Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong khu vực Tây Nguyên theo hướng bền vững, hiệu quả trong phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái. Duy trì và mở rộng các sản phẩm, chương trình du lịch mang tính liên kết như Con đường Di sản miền Trung – Tây Nguyên; Đường Trường Sơn huyền thoại; Con đường xanh Tây Nguyên và tour Carnaval hành lang kinh tế Đông – Tây… đi qua nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đẩy mạnh công tác quảng bá, tiếp thị theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn; tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa sinh thái đặc trưng để tạo ấn tượng đối với du khách.

Trong đầu tư phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái ở khu vực Tây Nguyên cần tránh xu hướng tự phát, dẫn đến nguy cơ phá hủy những giá trị văn hóa truyền thống. Từng địa phương cần quy hoạch khoa học, cụ thể để vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc tại chỗ; nên phát triển mô hình Làng du lịch nhằm huy động cộng đồng cùng chung tay tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn và đem lại sinh kế lâu dài cho người dân bản địa; đồng thời, quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối giữa các điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm du lịch, hình thành các tour du lịch trải nghiệm thu hút đông đảo du khách tham gia.

Hồng Minh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tây Nguyên: Để du lịch văn hóa sinh thái phát triển bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.