Tết cổ truyền thời công nghệ số
Cuộc cách mạng công nghiệp đã tác động mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc nhiều mặt trong đời sống văn hóa, xã hội. Tết Nguyên đán, biểu tượng của sự đoàn viên và khởi đầu mới trong văn hóa Việt Nam, cũng đang dần chuyển mình trong nhịp sống hiện đại.
Chợ Tết online
Trong quá khứ, tết Nguyên đán là khoảng thời gian tất bật nhưng tràn đầy ý nghĩa. Từ việc chuẩn bị bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa đến chợ hoa ngày Tết, tất cả tạo nên không khí đặc trưng mà ai đi xa cũng luôn mong nhớ.
Tuy nhiên, ngày nay, nhiều khâu chuẩn bị Tết đã được số hóa. Việc đi chợ mua sắm đã dần nhường chỗ cho các ứng dụng thương mại điện tử. Thay vì chen chúc ở các chợ xuân, người dân có thể đặt hàng từ bánh chưng, hoa đào, mâm ngũ quả cho đến quần áo Tết chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại. Cùng với đó, những phong tục truyền thống như lì xì, mừng tuổi cũng được “số hóa” qua các ứng dụng chuyển tiền.
Không thể phủ nhận, công nghệ đã mang đến sự tiện lợi rõ rệt, nhất là trong bối cảnh cuộc sống ngày càng bận rộn. Thời gian dành cho việc chuẩn bị Tết có thể được rút ngắn, tạo điều kiện để mỗi gia đình có thêm cơ hội nghỉ ngơi và quây quần bên nhau.
Ngoài ra, công nghệ cũng giúp kết nối những người thân yêu ở xa. Với các ứng dụng gọi video, những người con xa xứ vẫn có thể chia sẻ khoảnh khắc sum họp với gia đình dù cách nhau hàng nghìn cây số. Theo GS.TS Tô Ngọc Thanh - Cố Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã từng chia sẻ, công nghệ đã mang lại rất nhiều giá trị tích cực cho ngày Tết. “Dù có ở bất cứ quốc gia nào, chúng ta vẫn có thể gửi đến họ thông điệp năm mới, không cần viết thư tay và chờ đợi hàng tháng trời. Với những gia đình không có cơ hội đoàn tụ trong dịp Tết, các thành viên vẫn đoàn tụ theo cách khác bằng sự trợ giúp của công nghệ, cụ thể là mạng xã hội. Một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể giúp gia đình lưu giữ được những bức ảnh đẹp trong ngày tết, thay vì phải đầu tư một khoản tiền kha khá để sắm máy ảnh hoặc thuê thợ chụp ảnh như trước đây…” - Cố GS. Tô Ngọc Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên, mặt trái của sự hiện đại hóa là nguy cơ mai một những phong tục lâu đời. Khi mọi thứ đều được “số hóa,” không khí chuẩn bị Tết trở nên ít rộn ràng hơn. Những trải nghiệm từng là kỷ niệm khó quên như gói bánh chưng, đi chợ Tết hay tự tay trang trí nhà cửa, có thể bị thay thế bởi sự tiện lợi của dịch vụ.
Giữ gìn hồn Tết trong thời kỳ công nghệ số
Để Tết cổ truyền không chỉ tồn tại mà còn giữ được giá trị tinh thần, việc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại là điều cần thiết. Một số gia đình vẫn duy trì thói quen ự làm bánh chưng, bày biện mâm ngũ quả và tổ chức các hoạt động truyền thống như xin chữ, viết câu đối. Những việc này không chỉ giúp bảo tồn giá trị văn hóa mà còn là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn về Tết cổ truyền.
Ngoài ra, các chương trình giáo dục và quảng bá về ý nghĩa của Tết trên truyền thông và mạng xã hội cũng đóng vai trò quan trọng. Việc tận dụng các nền tảng số để giới thiệu văn hóa Tết, như giải thích ý nghĩa các phong tục, giúp người trẻ hiểu hơn về di sản văn hóa dân tộc trong bối cảnh hiện đại.
Trong không gian số hóa, Tết hiện đại vẫn có thể giữ được hồn xưa, nếu chúng ta biết cân bằng giữa tiện nghi và bản sắc. Đó là khi những giá trị cốt lõi của Tết - sự đoàn viên, lòng biết ơn và tình yêu thương - được bảo tồn, bất chấp sự thay đổi của thời gian và công nghệ.