Vạn Phúc - Làng nghề truyền thống với khát vọng xanh
Làng lụa Vạn Phúc, với hơn nghìn năm lịch sử, không chỉ là biểu tượng của nghề dệt truyền thống mà còn đang hướng tới “khát vọng xanh”.
Vạn Phúc lụa quý trứ danh/Trăm năm giữ nghiệp cha anh lưu truyền… Lụa Vạn Phúc nổi tiếng với chất lượng tinh xảo, mềm mại, hoa văn độc đáo, từng được sử dụng để may trang phục cho vua chúa, quan lại. Trải qua nhiều thăng trầm, Vạn Phúc đang nỗ lực chuyển mình theo hướng sản xuất xanh, bền vững, nhằm bảo tồn giá trị truyền thống và đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Trăm năm giữ nghiệp cha anh lưu truyền
Đối với người dân làng Vạn Phúc, hình ảnh khung cửi, sợi tơ đã ăn sâu vào tiềm thức, tiếng thoi đưa lách cách, nhịp nhàng trở thành âm thanh quen thuộc của cuộc sống. Mỗi sản phẩm lụa vừa là thành quả lao động vừa chứa đựng cả tâm huyết và tình cảm của những người thợ nơi đây.
Trải qua 1.200 năm hình thành và phát triển, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc vẫn giữ được các giá trị văn hóa đặc trưng nhất. Làng lụa vẫn rộn ràng với tiếng dệt của hơn 130 máy dệt từ 400 hộ tham gia sản xuất, ngoài ra có gần 250 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề với khoảng 70 loại the, lụa, gấm, lĩnh khác nhau.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc từ bao đời nay được ví von là nghề “tạo hoa trên vải”. Lụa Vạn Phúc quý giá bởi được dệt thủ công từ bàn tay cần mẫn và bằng tình yêu của nhiều nghệ nhân làng lụa. Hoa văn chìm nổi trên mỗi tấm lụa được tạo ra ngay từ công đoạn dệt, chứ không phải in lên vải như cách mà nhiều địa phương khác đang làm”.
Hòa cùng với xu thế thời đại, nhiều cơ sở sản xuất tại Vạn Phúc đã đi theo hướng làm hoa điện tử. Hoa văn được dệt bằng đầu máy điện tử có ưu điểm là có thể sản xuất số lượng lớn với tốc độ nhanh vì được lập trình hoàn toàn bằng máy tính. Tuy nhiên công đoạn sáng tạo ra mẫu hoa chi tiết vẫn phải được làm thủ công thì mới cho ra thành phẩm như ý. Nhờ đó, bên cạnh những họa tiết hoa văn cổ, nhiều mẫu hoa văn độc đáo như Phúc Lộc Thọ, Trống Đồng, Song Hạc, Thọ Đỉnh, Tứ Quý đã ra đời, góp phần làm phong phú sản phẩm lụa Vạn Phúc.
Hướng tới sản xuất xanh và bảo vệ môi trường
Bên cạnh việc giữ gìn các giá trị văn hóa của nghề, làng lụa Vạn Phúc còn chú trọng công tác xây dựng môi trường làng nghề thân thiện, tích cực. Năm 2019, quận Hà Đông thành lập Khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề, đưa 244 hộ dệt lụa quy mô vừa và lớn ra khu vực Trải qua 1.200 năm hinh thành và phát triển, nghề dệt lụa ở Vạn Phúc vẫn giữ được các giá trị văn hóa đặc trưng nhất Vạn Phúc Làng nghề truyền thống với khát vọng xanh Làng lụa Vạn Phúc, với hơn nghìn năm lịch sử, không chỉ là biểu tượng của nghề dệt truyền thống mà còn đang hướng tới sản xuất tập trung, nhằm giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn và thuận tiện cho việc xử lý nước thải từ quá trình nhuộm vải.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho hay, đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, để hạn chế tiếng ồn, các cơ sở đã áp dụng nhiều biện pháp cách âm hiệu quả. Công đoạn nhuộm vải được chuyển giao cho các cơ sở có công nghệ hiện đại, đảm bảo không xả thải hóa chất trực tiếp ra hệ thống thoát nước tập trung. Đặc biệt, các cơ sở, xưởng sản xuất cam kết thực hiện nghiêm các quy định về môi trường, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
“Từ bao đời nay, tơ lụa vốn đã là một chất liệu cao cấp bởi đặc tính mềm mịn, mỏng nhẹ, độ bền cao và là một “sản phẩm xanh”. Mặc lụa được ví như khoác lên mình lớp da thứ hai, thoáng mát, tạo sự thoải mái cho người mặc và cũng do cấu tạo thuần tự nhiên, lụa có thể tự phân hủy mà không gây hại đến môi trường”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm.
Không dừng lại ở việc cải tiến quy trình sản xuất, làng nghề Vạn Phúc còn đặt mục tiêu trở thành một làng nghề xanh điển hình của Việt Nam. Chính quyền địa phương và các tổ chức môi trường đã chung tay hỗ trợ làng nghề trong việc phát triển hạ tầng xanh và thúc đẩy du lịch sinh thái.
Khi đến với Vạn Phúc, ngoài việc được chiêm ngưỡng quy trình dệt lụa, trải nghiệm các công đoạn sản xuất, du khách có thể tự tay làm tranh từ vải vụn. Hoạt động trải nghiệm này được du khách đánh giá rất cao bởi tính thân thiện trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là các du khách nước ngoài.
Đồng thời, để tạo cảnh quan hấp dẫn, hệ thống đường hoa, cây xanh được trồng trên các tuyến phố và nhiều địa điểm tham quan quanh Vạn Phúc, mang đến không gian xanh, thoáng mát, thân thiện với môi trường. Thùng rác được bố trí hợp lý, tổ thu gom rác hoạt động hiệu quả, cùng với việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng, đảm bảo môi trường sạch đẹp, nâng cao trải nghiệm cho du khách.
UBND phường Vạn Phúc cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa sản xuất và môi trường sống.
Sản xuất xanh là xu thế tất yếu để phát triển bền vững
Từ một làng nghề có chất lượng không khí được đánh giá thấp, đến nay, làng lụa Vạn Phúc đang từng bước chuyển mình theo hướng sản xuất xanh, bền vững, kết hợp phát triển du lịch làng nghề, tạo nên sự hài hòa giữa bảo tồn giá trị truyền thống và đáp ứng yêu cầu của thời đại. Với những nỗ lực không ngừng, Vạn Phúc tiếp tục khẳng định vị thế của mình, góp phần gìn giữ và phát huy tinh hoa nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Người tiêu dùng lựa chọn lụa Vạn Phúc vì sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Vì vậy, Vạn Phúc đang nỗ lực chuyển đổi xanh để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và bắt kịp xu thế thời đại. Sản xuất xanh chính là con đường giúp làng nghề phát triển bền vững”.
Như vậy, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về môi trường và biến đổi khí hậu, sản xuất xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành xu thế tất yếu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm bền vững, đồng thời cải thiện quy trình sản xuất để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Để chuyển mình theo hướng xanh hóa, chuyên gia Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, doanh nghiệp nên tạo ra các chiến dịch truyền thông hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của việc sử dụng sản phẩm xanh. Không chỉ là trách nhiệm với môi trường, việc này còn giúp xây dựng thương hiệu và tăng cường lòng tin của khách hàng. Sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, nhà nước và cộng đồng là chìa khóa để thúc đẩy sự chuyển đổ xanh bền vững này.
Tại Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới và việc ứng phó với biến đổi khí hậu vì phát triển xanh, ít phát thải khí nhà kính là xu thế không thể đảo ngược của nhân loại.
Trong thời đại mà người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất xanh đã trở thành chiến lược sống còn, giúp các doanh nghiệp và làng nghề hội nhập vào nền kinh tế xanh của thế giới.