Nỗ lực không ngừng nghỉ "kéo" nước sạch về với người dân nông thôn
Đảm bảo cung cấp nước sạch và duy trì chất lượng nguồn nước luôn là ưu tiên hàng đầu của nhiều địa phương trong việc cải thiện điều kiện sống và phát triển kinh tế của người dân.
Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn. Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững.
Thời gian qua, được sự quan tâm triển khai dự án của Trung ương và địa phương, nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng. Qua đó, đã góp phần đưa những dòng nước mát lành đến với người dân từ miền xuôi lên miền ngược, từ bản làng đến phố, phường.
Đưa nước sạch về làng, về bản
Năm nay, nhiều hộ dân xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) vui mừng, phấn khởi khi được sử dụng nước sạch tận nhà. Không còn cảnh lỉnh kỉnh xô, thùng đi gánh nước ở suối mỗi chiều, giờ chỉ cần vặn vòi là nước chảy về bể, rồi sử dụng bao nhiêu thì sử dụng, không phải lo đang dùng thì hết nước.
Bà con vui mừng cho biết, được Nhà nước đầu tư công trình nước sạch, dân làng đã có nước để dùng, sinh hoạt thuận lợi, những việc như giặt giũ, vệ sinh trong gia đình, muốn sử dụng lúc nào cũng được.
Có được điều đó là nhờ huyện Sơn Tây phân bổ 9 tỷ đồng cho các công trình nước sinh hoạt phân tán tại 2 xã Sơn Liên và Sơn Tân. Trong đó, xã Sơn Liên được đầu tư xây dựng 38 giếng phục vụ nước sinh hoạt cho 92 hộ dân và các cơ quan, tổ chức ở trung tâm xã Sơn Liên; xã Sơn Tân được đầu tư 11 giếng, với 62 hộ đồng bào được thụ hưởng.
Cùng với huyện Sơn Tây, người dân thôn Hy Long, xã Ba Điền, huyện Ba Tơ cũng vui mừng khi đã chấm dứt cảnh đi gánh nước hàng cây số vừa vất vả, tốn thời gian, nguồn nước lại không bảo đảm vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Thôn đã được đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Thay vì tự đầu tư đường ống kéo nước từ suối về để sử dụng, bây giờ hơn 100 hộ dân trong thôn đã có nước sạch để sử dụng.
Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng khó khăn về nước, huyện Ba Tơ đã phân bổ trên 18,6 tỷ đồng đầu tư 9 công trình nước sinh hoạt tập trung ở 8 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, với trên 750 hộ thụ hưởng. Các công trình đã được bàn giao cho các địa phương để vận hành và đưa vào sử dụng.
Với mong muốn vừa giải “cơn khát” nước sạch cho người dân, vừa thực hiện chỉ tiêu nước sạch trong xây dựng Nông thôn mới, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cấp nước sạch. Trong đó có việc rà soát và đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa, mở rộng mạng lưới các công trình cấp nước sạch.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, mở rộng khu vực đồng bào miền núi được sử dụng nước hợp vệ sinh, các địa phương thụ hưởng đã triển khai nội dung hỗ trợ của dự án 1 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Người dân vùng đồng bào miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi đã được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và nước sinh hoạt tập trung, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, khu vực và cộng đồng cư dân. Đây là những công trình mà người dân đã mong chờ từ lâu, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước triền miên. Đó là một bước tiến quan trọng trong việc thay đổi cuộc sống và phát triển kinh tế cho người dân nông thôn, đặc biệt là người dân vùng đồng DTTS.
Nỗ lực phủ kín mạng lưới nước sạch nông thôn
Các địa phương trên cả nước đang nỗ lực không ngừng để mang nước sạch đến với người dân nông thôn. Việc triển khai các dự án cấp nước sạch tập trung đã giúp hàng triệu người dân tiếp cận nguồn nước an toàn và vệ sinh.
Ngoài việc mở rộng tuyến ống cấp nước trên địa bàn 8 xã, thị trấn trước đó, trong năm 2023, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) đã triển khai xây dựng mới, nghiệm thu đưa vào sử dụng 2 công trình nước sạch với tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 15 tỷ đồng. Đến nay, huyện Vĩnh Cửu có gần 65% hộ dân sử dụng nước sạch. Trong số đó, thị trấn Vĩnh An chiếm tỷ lệ cao nhất với tỷ lệ gần 97%, xã Thiện Tân có gần 95% và xã Vĩnh Tân đạt trên 93%.
Tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai), huyện đã đầu tư khoảng 302 km đường ống nước sạch, trong đó các xã như Bàu Hàm 2 và Hưng Lộc được ưu tiên để đạt tỷ lệ trên 65% hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Công ty CP Cấp nước Gia Tân đã thực hiện mở rộng hệ thống đường ống truyền tải và phân phối, với mục tiêu đến cuối năm nay xã Lộ 25 (xa nhất huyện) cũng có nước sạch.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, dự kiến năm 2024, toàn tỉnh lắp đặt hơn 1,6 ngàn thiết bị lọc nước hộ gia đình. Tổng kinh phí đầu tư hơn 8,4 tỷ đồng. Với mục tiêu phủ kín mạng lưới nước sạch nông thôn, phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh theo quy chuẩn đạt 84,5%, trong đó tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 51%.
Có thể thấy, nỗ lực đưa nước sạch về các vùng nông thôn của các địa phương đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2023, khoảng 74% hộ gia đình nông thôn ở Việt Nam đã tiếp cận nguồn nước sạch đạt quy chuẩn. Trong đó, 55% số hộ gia đình sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung, và 19% còn lại sử dụng nước từ các hệ thống cấp nước hộ gia đình. Đây là một bước tiến đáng kể trong việc cải thiện chất lượng sống của người dân nông thôn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Các công trình cấp nước sạch không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Việc cung cấp nước sạch tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất cây trồng, giảm thiểu bệnh tật cho gia súc và gia cầm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực này. Đồng thời, nước sạch cũng hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp chế biến, mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm và mở rộng cơ hội kinh doanh.
Hơn nữa, những công trình này còn góp phần quan trọng trong việc tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn. Đây chính là nền tảng vững chắc để xây dựng cộng đồng khỏe mạnh, ổn định và phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, việc cấp nước sạch cho nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong công tác cải thiện chất lượng sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong những năm tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành và địa phương để đảm bảo các công trình cấp nước sạch được triển khai hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
“Bộ sẽ chủ trì việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và quản lý cấp nước sạch nông thôn từ Trung ương đến địa phương, nhằm đảm bảo tính bền vững của các công trình cấp nước. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức, khai thác công trình nước sạch nông thôn, đảm bảo hiệu quả và ứng phó với thiên tai” Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.