Cuộc sống xanh

Nhớ vị tết trong tôi

Nguyễn Trường 03/02/2025 12:00

Ký ức về Tết trong tôi có nhiều lắm, nào được gói bánh chưng, đón giao thừa, súng sính quần áo mới, nhận lì xì, tham gia các trò chơi dân gian…

Ngày cuối tuần gần Tết, đang cuộn tròn trong chiếc chăn ấm áp thì bất giác có tiếng chuông điện thoại reo vang. Lơ mơ trong cơn ngái ngủ, tôi nghe tiếng nói ranh rảnh của mẹ trong điện thoại: “Chứ Tết này có được nghỉ làm sớm không con, năm nay mẹ gói thêm phần bánh chưng cho vợ chồng con nhé.” Lời nhắn nhủ ngắn ngủi, nhưng đủ khiến tôi bâng khuâng suốt cả ngày. Dòng cảm xúc cứ miên man, từng mảnh ký ức về Tết trong tôi cứ lặng lẽ trôi về, trong sự ấm áp và bình yên…

anh-4.jpg

Tết trong tôi, sâu sắc và đậm nét nhất, phải kể đến kỷ niệm được gói bánh chưng cùng bố mẹ. Độ tầm 25 tháng chạp, nhà tôi tập trung gói bánh chưng. Cả gia đình quây quần bên nhau, mỗi người mỗi việc, cười nói rôm rả với bao câu chuyện thường nhật. Mẹ lo những công đoạn đầu, từ luộc đậu, xào thịt, đến ngâm gạo nếp… Mẹ tôi dặn, khi làm bánh chưng muốn bánh xanh phải xay lá giềng, vắt lấy nước cốt trộn vào với gạo. Bố tôi thì lo phần khuôn bánh và gói bánh. Bố gói bánh vuông vức, đầy đặn. Bố bảo gói bánh muốn để bánh không bị mốc cạnh thì gói phải kín các góc, không để hở không khí vào dễ làm bánh lên men. Bố mẹ tôi là vậy, làm việc gì dù nhỏ nhất cũng đều dạy các con, để sau này lớn còn biết làm. Tôi và đứa em được giao “trọng trách” lau lá, bẻ khuôn; được trả công bằng 2 chiếc bánh chưng nhỏ xíu, đầy ắp nhân thịt. Đấy là món quà ý nghĩa cho những đóng góp vào quá trình làm bánh của chúng tôi. Sau cùng, công đoạn luộc bánh mới gọi là thú vị. Giữa tiết trời giá buốt, xen lẫn mùi sương đêm bao trùm, tôi và cậu em co gối ngồi bên bếp lửa, tranh thủ than hồng vùi vài củ khoai nướng thơm phức, vừa ăn vừa nghe mẹ kể chuyện ngày xưa. Háo hức chờ đợi bánh chưng chín, nhưng cũng chỉ khi ăn hết vài củ khoai, là chúng tôi đã cuộn tròn trong vòng tay của mẹ mà ngủ một cách ngon lành, ngay bên bếp lửa hồng ấm áp.

Tết trong tôi còn là hương vị ngọt ngào từ món mứt của mẹ, của bà. Hương vị mộc mạc này không thể lẫn đi đâu, nó quyến luyến, thanh ngọt, chứa đọng tất cả tình yêu thương và tâm huyết của bà của mẹ. Mẹ kể, ngày về làm dâu, mẹ không biết sên mứt thế nào. Nhưng nhờ có sự chỉ dạy ân cần của bà nội mà giờ đây mẹ trở thành người con dâu đảm đang, giỏi nữ công gia chánh. Vào những ngày đầu năm, trong khi nhà nhà đều đãi khách bằng những món bánh mứt được mua từ chợ, siêu thị thì gia đình tôi lại tiếp khách bằng thứ mứt đặc trưng do đôi bàn tay khéo léo của mẹ và bà nội làm nên. Mẹ tôi hay sáng tạo làm đủ loại mứt với nhiều màu sắc và hình dáng bắt mắt. Chính tôi cũng bị nghiện cái hương vị đó ngay từ nhỏ. Tôi thích thú chờ đợi mỗi lần mẹ sên mứt xong là được thưởng thức những mảnh vụn thừa trên chảo. Cũng đã nhiều năm bố đề nghị mẹ đừng làm mứt nữa, cứ việc chạy ra chợ mua cho nhanh, chẳng phải bỏ ra nhiều công sức. Nhưng mẹ không đồng tình, cho rằng nó không hợp vệ sinh và không đậm đà bằng sản phẩm do chính tay mình làm ra. Có lẽ, mẹ muốn giữ lại chút bản sắc của Tết xưa.

anh-5.jpg
Tết đẹp, không chỉ bởi Tết luôn tươi trẻ, khôi nguyên và đầy sức sống, mà còn bởi Tết dạt dào bao kỉ niệm ở trong đó

Tết trong tôi là khoảnh khắc đếm từng giây để chào đón thời khắc giao thừa, ngắm nhìn bầu trời rực rỡ sắc pháo và được ăn thử những miếng bánh chưng đầu tiên. Hương nếp quyện cùng khói bếp, phả vào trong gió xuân tạo nên cảm giác lâng lâng khó tả… Gia đình tôi có truyền thống đón giao thừa xong là cả nhà sẽ lên chùa lễ Phật, chắp tay bái lạy bình an cho cả năm. Chùa ở cách nhà không xa, nên cả nhà chúng tôi chọn cách đi bộ. Sân chùa thênh thang rộng mở, mùi hương hoa ngạt ngào quyện vào hương trầm rưng rưng đôi mắt. Nào là mai vàng, hồng đỏ, vạn thọ, đào hồng… tươi tắn như gương mặt của mỗi người trong ngày tân niên. Ai cũng cầu cho năm mới gia đình mình phát tài phát lộc, an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào… Trẻ con như chúng tôi chẳng biết khấn cầu gì ngoài câu: “Mong cho cả nhà mạnh khỏe, bình an”.

Tết trong tôi còn là dịp để lưu nhớ, gìn giữ lại những giá trị tốt đẹp. Đã thành thông lệ, sáng mùng 1 Tết năm nào gia đình tôi cũng dành thời gian để đi thắp hương, chúc Tết hai bên nội, ngoại đầu tiên, rồi làm gì đi đâu mới tính đến. Thói quen này đã trở thành truyền thống và nét đẹp của gia đình tôi trong buổi sáng đầu tiên của năm mới. Bố tôi vẫn bảo, người Việt trông ngóng Tết, không phải là để tiệc tùng, nghỉ ngơi, mà bởi muốn được trải nghiệm, tìm về những truyền thống mà chỉ Tết mới có. Những nét đẹp này được lưu giữ qua nhiều thế hệ, bồi đắp theo năm tháng, để trở thành điều thiêng liêng, mà mỗi chúng ta đều muốn trân trọng, gìn giữ…

Tết đẹp, không chỉ bởi Tết luôn tươi trẻ, khôi nguyên và đầy sức sống, mà còn bởi Tết dạt dào bao kỉ niệm ở trong đó; để chúng ta mỗi khi tìm về, đều muốn được trải lòng, thành thật và yêu thương.

Bài liên quan
  • Mâm ngũ quả ngày Tết đầy đủ nhất cho năm mới trọn vẹn
    Mâm ngũ quả ngày Tết không chỉ mang ý nghĩa cầu mong sức khỏe, tài lộc mà còn là món quà tinh thần gửi gắm những lời chúc tốt đẹp cho gia đình trong năm mới. Hãy cùng Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhớ vị tết trong tôi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.