Trong mưa lũ càng trọn nghĩa đồng bào
Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển, nhất là tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Sau bão, mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại hầu hết khu vực Bắc Bộ tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.
Trước sức tàn phá của thiên nhiên, sức mạnh tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam như được nhân lên gấp bội, những câu chuyện ấm tình người hiện diện khắp nơi.
Những con số đau xót
Theo thống kê của cơ quan chức năng, Quảng Ninh là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão Yagi với 25 người chết; hơn 1.000 người bị thương; 70% cây xanh đô thị bị gãy, đổ; 165 tàu, phương tiện thủy bị chìm; hơn 102.800 nhà dân bị tốc mái; 251 nhà bị đổ sập; 4.942 nhà bị ngập; 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 7.500ha lúa bị ngập; gần 90.000ha rừng bị thiệt hại,….Tổng thiệt hại kinh tế ước khoảng 24.876 tỷ đồng. Nhiều ngư dân mất trắng hàng nghìn tỷ đồng do bão.
Đứng thứ hai về mức độ ảnh hưởng là thành phố Hải Phòng với khoảng 12.249 tỷ đồng bị thiệt hại do bão số 3 trong đó đảo Cát Bà bị tàn phá nghiêm trọng, nhiều cây xanh bị đổ, cơ sở hạ tầng hư hại.
Không thiệt hại nhiều về kinh tế nhưng Lào Cai lại là tỉnh có số người thương vong lớn nhất với 118 người chết, 50 người mất tích và 80 người bị thương (tính đến ngày 14/9/2024). Hơn 7.400 nhà dân bị ngập nước, sạt lở hoặc cuốn trôi. Diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại trên 2.574 ha; 123 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, với gần 400 tấn cá thương phẩm bị chết hoặc bị cuốn trôi,..Thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 6.834 tỷ đồng. Yên Bái cũng là tỉnh có thiệt hại lớn về người với 40 người chết và 4 người mất tích. Cao Bằng cũng là tỉnh có nhiều người thiệt mạng với 29 người chết, 23 người mất tích tại huyện Nguyên Bình. Một số tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình,.. cũng chịu ảnh hưởng nặng của bão Yagi.
Với con số ước tính thiệt hại trên 81.703 tỷ đồng đủ khiến chúng ta cảm nhận được sự khốc liệt và hậu quả nặng nề do thiên tai mang lại song những hình ảnh hàng nghìn ngôi nhà ngập giữa trắng trời mưa tuôn hay cảnh đổ nát, hoang tàn, ngổn ngang do sạt lở, sập nhà, cộng thêm nỗi tuyệt vọng của những gia đình đột ngột mất đi người thân lại đầy sức nặng và ám ảnh.
Trọn nghĩa đồng bào
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia (350 tỷ đồng và 432,585 tấn gạo) để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói.
Nhiều hành động và cử chỉ đẹp đã thể hiện tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái của người Việt Nam đối với đồng bào. Đó là hình ảnh những chiến sĩ công an, quân đội ngày đêm dầm mình trong nước lũ, bất chấp khó khăn, đối diện hiểm nguy rình rập, căng mình chống chọi với dòng nước lũ để tiếp cận và di chuyển những người dân đang bị cô lập đến nơi an toàn; Là những đồng chí lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành và các địa phương dầm mình trong mưa, băng qua nước lũ để đến tận nhưng nơi người dân đang cần sự giúp đỡ, cứu trợ; chia sẻ, động viên, đau cùng nỗi đau của mỗi hoàn cảnh, trăn trở tất cả các giải pháp tốt nhất để người dân được đảm bảo cuộc sống, từ bữa ăn, chai nước, viên thuốc... ; Là những đêm trắng của các y, bác sĩ trong bệnh viện vẫn là chuyện thường, nhưng trong đêm bão lớn còn phải lo hướng dẫn cho cả các ca cấp cứu trên đường đến viện...
Hình ảnh những chiếc thuyền, xuồng máy hoạt động hết công suất mang theo nhu yếu phẩm tiếp tế cho người dân trong vùng bị ngập; Những cuộc cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân thiệt mạng được tiến hành khẩn trương, tận dụng từng giây, từng phút; Những dòng tin nhắn cầu cứu trên mạng xã hội và các trang cá nhân đều được triển khai cứu hộ.
Hình ảnh những chiếc ô tô được tài xế chủ động di chuyển chậm, tạo thành hàng rào chắn gió bảo vệ người điều khiển xe máy an toàn qua cầu Nhật Tân (Hà Nội) hay xe của lực lượng phòng cháy chữa cháy “dìu” người đi bộ và hàng chục xe máy tránh luồng gió mạnh của trận bão, an toàn qua cầu Khểu (Hải Phòng) được cộng động mạng ghi lại được. Rồi hành động một số tài xế xe buýt kiên nhẫn chờ đợi những hành khách lỡ chuyến hoặc gặp khó khăn trong mưa bão, đảm bảo họ có phương tiện di chuyển an toàn cũng khiến mọi người cảm thấy ấm lòng vì tình nghĩa đồng bào trong mưa bão.
Rồi việc nhiều khách sạn, nhà nghỉ và căn hộ sẵn sàng mở cửa miễn phí, chào đón những người cần nơi trú ẩn an toàn trong cơn bão và cấp phát hàng trăm suất cơm miễn phí cho người dân và khách du lịch mắc kẹt vì mưa bão đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp của tình dân tộc, nghĩa đồng bào, lan tỏa giá trị nhân văn, củng cố tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Một số du khách nước ngoài tại Việt Nam đã tích cực tham gia vào các phong trào giúp đỡ người dân dựng lại nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau bão, thể hiện tinh thần đoàn kết và tình người không biên giới.
Nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhà hảo tâm đã tham gia hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão. Thông qua các chương trình viện trợ quốc tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ hơn 50.000 người dân tại Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng và Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Chính phủ đã hỗ trợ gần 500 tỷ đồng từ ngân sách trung ương và cung cấp gần 5.000 tấn gạo cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng.
Tại tỉnh Lào Cai, nhờ sự chung tay quyết tâm của chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân, công tác khắc phục hậu quả bão đã đạt nhiều kết quả đáng kể. Điển hình như việc chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng đã tập trung khôi phục nhà ở cho người dân bị mất nhà cửa do mưa bão. Tại khu tái định cư Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), 40 ngôi nhà mới đã được hoàn thiện và bàn giao cho người dân.
Khu tái định cư được xây dựng trên đồi Sim có diện tích khoảng 10 ha, cách nơi sạt lở khoảng 2 km. 40 căn nhà thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày, mỗi căn có diện tích 96 m², đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy. Ngoài ra, còn có các công trình phụ trợ như nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm trường với 2 lớp tiểu học và 2 lớp mẫu giáo cùng hệ thống hạ tầng giao thông, điện nước đồng bộ, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất.
Sau khi nhận nhà, người dân Làng Nủ đã bắt đầu ổn định cuộc sống trong khu tái định cư mới. Nhiều hộ gia đình đã trồng rau, cây ăn quả xung quanh nhà, chuẩn bị đón Tết trong ngôi nhà mới.
Theo lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đến ngày 18/12/2024, 33/40 căn nhà đã được bàn giao cho các hộ dân bị mất nhà trong trận lũ quét ngày 10/9. Bảy căn nhà còn lại đang được chính quyền địa phương tiếp nhận và bảo quản để xem xét bố trí cho các hộ chính sách, người có công với cách mạng hoặc những hộ đã mất nhà do thiên tai, lũ lụt.
Tại Yên Bái, theo lãnh đạo tỉnh này, với 306 tỷ đồng nhận từ Dự án Viện trợ quốc tế khẩn cấp do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai, đến nay, Yên Bái đã có 466/1.523 ngôi nhà được xây dựng lại; 764 nhà đang được khởi công và 293 nhà chưa khởi công. Tỉnh đã hỗ trợ được 1.496/1.523 nhà, đạt 98% kế hoạch, với tổng kinh phí hỗ trợ từ các nguồn là 97,986 tỷ đồng. Các khu vực tái định cư được bố trí ở những vùng cao ráo, xa khu vực có nguy cơ sạt lở. Các tuyến giao thông bị sạt lở đã được khắc phục, đảm bảo thông tuyến cho người dân di chuyển và vận chuyển hàng hóa.
Những hành động, việc làm cụ thể của mọi người dành cho nhân dân vùng bão lũ tuy bình dị mà cao quý bởi tất cả đều xuất phát từ tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong mỗi người dân Việt Nam.