Là một blogger du lịch thường đi nhiều, đi xa và đến nhiều vùng đất khác nhau, nhưng những ngày giáp Tết, Blogger Thiên An thường chọn quay về nhà sum vầy cùng người thân.

Với Thiên An, dẫu có bận rộn với công việc hay mải mê thực hiện đam mê ở một nơi nào thì cũng nên tạm gác lại, quay trở về nhà đón Tết cùng gia đình, nơi có bố mẹ đang mong chờ. 


2f40ac44-62b5-4385-bfd6-24df76f16abb.jpeg
Không khí Tết đầm ấm khiến cho mỗi người con xa nhà đều muốn quay trở về đoàn viên bên gia đình

Blogger Thiên An chia sẻ: Ngày 28 Tết, tôi lặng lẽ ngồi giữa sân bay Changi (Singapore) ồn ã, chứng kiến cảnh mọi người tất bật với những chuyến bay để nhanh về sum họp với gia đình. Có cảm tưởng dù thế giới phẳng đến đâu thì tận sâu trong trái tim của mỗi người, nhà vẫn là nơi mong muốn được quay về nhất. Với những chuyến bay ngày cuối năm, người khoan thai nhất cũng trở nên vội vã, kẻ ít mang hành lý nhất cũng tranh thủ gói ghém thêm quà tặng về cho gia đình. Cũng bởi, ai cũng mong quay trở về cho kịp giờ đoàn viên, sum vầy cùng cả nhà. 

 Khi lên máy bay, tôi ngồi cạnh một cô gái còn khá trẻ, mải mê với laptop và vô số bài luận bằng tiếng Anh. Như nhìn thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, em mỉm cười giải thích: “Em đang tranh thủ làm bài tiểu luận để nộp cho giáo sư. Do cuối năm, em cố gắng đi làm thêm để có tiền mua vé máy bay về quê ăn Tết nên hơi bê trễ việc học. Đôi lúc, công việc làm thêm và việc học khiến em mệt mỏi nhưng chỉ cần nghĩ đến cảnh được cùng bố mẹ, người thân đón giao thừa, bản thân lại được tiếp thêm nhiều động lực”.

Khi thấy tôi gật đầu ra chiều đồng cảm, cô gái xúc động kể thêm, những năm trước, để hình dung không khí Tết Việt, vào những ngày này, em và các bạn người Việt đang học và làm tại Singapore thường nghe nhạc xuân. Nếu có thời gian nhiều hơn, các bạn du học sinh cũng đi tìm mua bánh chưng, nấu những món ăn Việt, cắt giấy làm hoa đào, hoa mai để trang trí. Dù thế, cảm giác vẫn man mác buồn. Mọi người dù ngoài mặt vẫn cố gắng hân hoan dành cho nhau những lời chúc mừng nhưng niềm mong nhớ gia đình vẫn ngập tràn trong tim.  

 “Mấy lời tâm sự giản đơn nhưng thấm thía khiến lòng tôi nao nao, sực nhớ đến thời điểm năm 2018, khi mải mê chu du, không chịu về nhà ăn Tết như mọi năm. Thời điểm đó, bản thân đang trong một hành trình rong ruổi nhiều tháng từ Tây Á sang Trung Đông, Nam Mỹ và Bắc Mỹ nên đành “lỗi hẹn” về quê ăn Tết cùng gia đình.  Cứ ngỡ bản thân chu du nhiều, tâm lý vững vàng sẽ không nhớ nhà nhưng sự thật không phải thế. Giao thừa năm ấy, khi đi bộ từ ga tàu điện ngầm ở Mỹ về khách sạn, nhìn tuyết rơi đầy trời, thấy lòng mình giá lạnh không kể xiết. Tôi cứ ngần ngại, chẳng dám gọi điện thoại về cho ba mẹ. Mãi cho đến khi nhận được tin nhắn từ mẹ: “Con ở Mỹ nhớ mặc thêm áo ấm. Bố mẹ ở nhà nhớ con lắm. Tết mà con lại không có ở nhà”. Nước mắt tôi cứ thế mà tuôn rơi.Cũng từ thời điểm đó, bản thân tự nhủ dù bận rộn công việc đến đâu, vẫn sẽ dành thời gian để quay trở về nhà”, Thiên An trải lòng.

82144ee5-5709-4111-be01-b4c886d6ccf1.jpeg
Người người, nhà nhà cùng nhau đi sắm Tết

 Blogger Thiên An nhớ lại những ngày Tết ấu thơ: Khi máy bay hạ cánh xuống đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn những giọt nước mắt của cô gái ngồi cạnh lúc nhìn thấy ánh nắng vàng óng ánh phía sau ô cửa máy bay, kí ức về Tết trong tôi đột ngột quay trở về. Tôi vẫn nhớ như in một ban mai đầu xuân, bố mẹ chở tôi trên chiếc xecúp tám mươi đến chúc mừng năm mới nhà ông bà ngoại và họ hàng thân quen. Khi ấy, trời vẫn còn sớm, độ chừng 6 giờ, sương sớm chưa tan, đường phố vắng hoe bóng người, chỉ vương xác pháo đốt đêm Giao thừa. 

Đứa trẻ ngây thơ là tôi khi ấy háo hức ngồi sau và ngắm nhìn phố phường, tay vẫn ôm lưng bố mẹ, có lúc ngủ gật lúc nào không biết. Cuộc chúc Tết rồi cũng kết thúc khi cả gia đình trở về vào lúc quá trưa. Bố mẹ tôi vốn yêu quý họ hàng, chẳng nề hà việc phải di chuyển nhưng tôi còn quá nhỏ nên thường cảm thấy rất mệt mỏi, thậm chí có đôi phần ngán ngẩm. Mãi cho đến khi trưởng thành, khi quỹ thời gian dành cho gia đình và những người thân yêu ngày càng eo hẹp hơn, bản thân mới thấu hiểu lí do bố mẹ thích gặp gỡ và chúc Tết họ hàng. Tết đơn thuần là việc được hội ngộ, đoàn viên cùng gia đình và những người thân yêu, để kể cho nhau nghe những điều đã qua trong quá khứ, sắp tới trong tương lai.

Những năm 90 thiếu thốn ấy, Tết là một kì công. Lũ trẻ như tôi chỉ mong Tết để được đi dạo phố, rủng rỉnh ít tiền mừng tuổi, mua chút đồ chơi đẹp để khoe nhau. Và mấy ngày Tết trôi nhanh đến mức, bọn trẻ ham vui như chúng tôi chỉ muốn níu kéo lại không cho nó trôi đi mất. Đấy là những ngày được nghỉ học, được đi chơi, và điều quan trọng nhất, được đốt pháo và ăn những thứ mà ngày thường chẳng bao giờ có được như thịt kho, giò lụa, miến xào và nhiều thứ khác nữa. Nhưng trẻ con vô tư đâu biết được rằng để có cho gia đình một cái Tết đoàn viên, ấp áp ấy là biết bao nhọc nhằn của cha mẹ.

Tôi vẫn nhớ cảnh bố nhọc nhằn chở thuê từng gốc mai, chậu kiểng cho khách đến tận ngày 30 Tết. Bố thường bảo: “Hoa tết người ta mua rất đắt. Đó cũng là niềm vui của người bán lẫn người mua. Mình là người chở thuê, phải cố gắng cẩn thận, chăm chút từng chút một, con ạ”. Còn mẹ tôi vốn là thợ may áo dài, cả năm bận bịu với tiệm may nhỏ. Những ngày giáp Tết, mẹ tôi tỉ mẫn may từng chiếc áo, đơm từng cái khuy đến thâu đêm, vì sợ không kịp ngày trả đồ cho khách. Dù bận như thế nhưng mẹ tôi vẫn biết cách vun vén gia đình. Mẹ ôn tồn, nhẫn nại kho thịt, nấu canh, muối thêm hũ củ kiệu, dưa hành… để dành cho những bữa cơm đoàn viên ngày Tết cho bố con tôi.

Mãi cho đến chiều 30, mẹ đã nấu xong mâm cỗ cuối năm, vẫn miệt mài chỉnh lại chiếc áo dài cho cô hàng xóm. Bố phải đi lòng vòng vài đoạn đường vì không tìm ra địa chỉ nhà đặt mua hoa. Và cả ông bà nội tuổi đã cao, vẫn lặn lội từ xa gởi lên cho gia đình tôi từ thịt lợn, bánh tét đến dăm ba hộp mứt đơn sơ mà thắm đượm tình quê.

Những giọt mồ hôi lấm tấm trên vai bố sau mỗi phiên chợ cuối năm hay bóng dáng mẹ lom khom trong gian bếp mờ sương ban mai trở thành một hoài niệm khó phai trong lòng tôi. Nó nhắc nhớ tôi về biết bao sự hi sinh lặng thầm mà sâu sắc của bố mẹ, khiến cá nhân tôi dù đi đến bất kỳ đâu, mỗi dịp Tết đến xuân về, lòng lại nao nao mong ngóng quê nhà. 

Thiên An chia sẻ: Hoài niệm xưa cũ khiến tôi nhận ra Tết chỉ thật sự bắt đầu khi chúng ta quay trở về nhà, đoàn viên bên gia đình và những người thân thương. Thế mà, có những cái Tết do bộn bề công việc, tôi đành chọn rời xa bố mẹ. Mãi cho đến khi tình cờ quay trở về nhà, thấy bố mẹ ngồi lặng lẽ, ngóng trông bản thân và các con về ăn tết cùng, tôi mới giật mình xót xa nhận ra mình quá vô tâm với tâm tình của đấng sinh thành. Bố mẹ có cần gì đâu, ngoài những phút giây được cùng con cháu sum vầy dưới mái nhà, ăn chút cơm, nhấm chút trà, cắn vỡ ít hạt dưa, để thấy mùa xuân đang đến thật gần trong tình yêu thương.

Càng lớn tôi thấy Tết nhất khi cả gia đình sum họp và cùng nhau trang hoàng nhà cửa. Bố thích chưng hoa ngày Tết, nên niềm vui của tôi là ghé chợ hoa mua về nhà một cây đào hoặc mai trổ bông rực rỡ. Sau đó, tôi sẽ phụ mẹ gói bánh chưng, rồi cả nhà sẽ thay nhau canh nồi bánh đến tận khuya. Thư thả hơn một chút , hai mẹ con lại tranh thủ đến siêu thị, chọn trái cây chưng Tết. Những ngày Tết tất bật mà hạnh phúc đến lạ kỳ. 

Có một lúc nào đó giữa những mùa xuân tất bật, chỉ mong mình bé lại và trở về với ngày xưa, ngồi sau lưng bố mẹ trên chiếc xe cub tám mươi, đi trên những con phố vắng tanh và còn đầy xác pháo đỏ rực. Để thầm nhắc nhở mình rằng: “Tết không phải là một nghĩa vụ. Tết là sự trở về đầy yêu thương”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tết là để trở về
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.