Thái Bình: Bảo vệ lúa và rau trong điều kiện mưa kéo dài

An Nhiên (th)|11/10/2017 00:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thái Bình: Gần 400ha lúa và hoa màu bị ngập nước

(Moitruong.net.vn) – Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong hai ngày 9 và 10/10 trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa lớn gây ngập lụt nhiều diện tích hoa màu, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Thái Bình, đến hết ngày 11/10, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông, lượng mưa phổ biến từ 70 – 150mm. Trước diễn biến phức tạp mưa nhiều, tỉnh Thái Bình đã có những chỉ đạo để bảo vệ lúa và rau trong điều kiện mưa kéo dài.

>>> Thái Bình: Gần 400ha lúa và hoa màu bị ngập nước

lua

Thái Bình bảo vệ lúa và rau trong điều kiện mưa kéo dài

Theo đó tại huyện Kiến Xương, mưa lớn kéo dài từ đêm ngày mùng 6 đến sáng ngày 10/10 đã gây ngập úng cục bộ cho khoảng gần 400ha lúa và hoa màu.  Thông tin từ Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình cho biết, lượng mưa sau 5 ngày đo được tại thị trấn Thanh Nê là 283ly. Lượng mưa lớn đã làm cho hơn 20ha hoa màu vụ hè thu và cây vụ đông ưa ấm gồm dưa, bí, ớt và một số loại rau màu khác của các xã: Vũ An, Vũ Ninh, Vũ Lễ, thị trấn Thanh Nê bị ngập và táp lá có nguy cơ mất trắng. Ước tính có gần 380ha lúa mùa đã cho thu hoạch cũng bị đổ ngập trong nước, nếu không được nâng chống lúa sẽ mọc mộng làm thất thu.

 Do mưa gây dập nát nhiều diện tích rau, nên tại một số chợ đầu mối của tỉnh Thái Bình, giá rau xanh gần đây đang trên đà tăng khá mạnh. Hiện giá rau cải thìa, cải dưa tăng từ 6.000 đồng lên 10.000 đồng/kg, rau diếp tăng từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 – 25.000 đồng/kg, rau muống tăng từ 2.000 đồng/mớ lên 3.500 đồng/mớ…

Trước tình trạng biến động của thời tiết theo thông tin trên báo Thái Bình có bài viết chỉ đạo về việc đảm bảo an toàn cho lúa và rau, để bảo vệ sản xuất, ngay sau khi có mưa lớn, các địa phương cần huy động nhân dân bằng mọi biện pháp khơi thông dòng chảy, xẻ đường thoát nước mặt ruộng và xung quanh ruộng rau màu để tiêu nước, không để nước ngập gốc cây và đọng trên mặt luống. Đối với diện tích mới trồng, cần kiểm tra mức độ thiệt hại; chăm sóc kịp thời bằng cách phá váng nhẹ mặt luống, tưới hoặc phun các loại phân siêu lân và chất kích thích ra rễ kết hợp với việc trồng dặm bảo đảm mật độ, phun thuốc phòng các loại bệnh héo xanh, lở cổ rễ…

Các địa phương cần có phương án chuẩn bị giống ưa lạnh trồng bổ sung, thay thế vào diện tích thiệt hại không thể khắc phục đồng thời tuyên truyền để nông dân tận dụng đất đai, quay vòng tăng vụ trên diện tích rau sớm đã thu hoạch và đất trống. Đối với lúa cần tiến hành buộc đối với diện tích bị đổ, khi điều kiện thời tiết thuận lợi khẩn trương huy động người, phương tiện thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.

An Nhiên (th)

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thái Bình: Bảo vệ lúa và rau trong điều kiện mưa kéo dài
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.