Dự án được Trung Quốc dự tính từ lâu, theo đó sẽ cho nổ các khối đá chắn trên dòng sông Mê Kông và nạo vét lòng sông ở khu vực miền bắc Thái Lan nhằm mở đường cho tàu thuyền lớn có thể di chuyển, có thể gồm cả tàu quân sự.
Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm tạo ra tuyến giao thương trên sông từ tỉnh Vân Nam của nước này kéo dài hàng ngàn km xuống phía nam qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Tuy nhiên, người dân địa phương và các nhà môi trường đã phản đối dự án này vì lo ngại nó có thể hủy hoại hệ sinh thái và chỉ làm lợi cho Trung Quốc.
Sông Mê Kông được cho là sở hữu sự đa dạng sinh học có thể so sánh với sông Amazon ở Nam Mỹ, nhưng nhiều loài động vật nguy cấp đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng vì các hoạt động nạo vét, xây dựng đập thủy điện…
Chương trình xây đập dọc sông Mê Kông của Trung Quốc từng gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên Bắc Kinh kiên quyết bảo vệ các hoạt động của nước này. Phát biểu tại hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Kông – Lan Thương (LMC) ngày 20/2, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố việc thiếu nước mưa đã gây hạn hán tại sông Mê Kông, không phải dự án đập tại Trung Quốc.
Vài ngày sau khi Thái Lan tuyên bố ngừng dự án, Đại sứ quán Trung Quốc ở Bangkok đã cử nhà ngoại giao tới tỉnh Đông Bắc Loei – nơi có biên giới với Lào dọc sông Mê Kông. Đại sứ Yang Yang chia sẻ với truyền thông địa phương rằng Bắc Kinh rất quan tâm tới tình trạng hạn hán trong khu vực và áp dụng “phương pháp đặc biệt để tăng mực nước” từ các đập của nước này dọc sông Mê Kông trong tháng 1.
Ngọc Ánh (t/h)