Thái Lan tính chuyện dời đô khỏi Bangkok

An Hạ (t/h)|02/10/2019 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sau Indonesia, Thái Lan có thể là quốc gia Đông Nam Á tiếp theo dời thủ đô đi nơi khác trước viễn cảnh bị nước biển nhấn chìm, nạn ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ô nhiễm ngày càng tồi tệ,…

Cũng như Jakarta, thủ đô Thái Lan đối mặt với nhiều thách thức như dân số quá tải, ô nhiễm môi trường, mực nước biển dâng và kẹt xe.

Phát biểu tại hội thảo có chủ đề kết nối Thái Lan với thế giới, ông Prayuth đưa ra khả năng dời thủ đô về một thành phố khác không xa và ít tốn kém chi phí di dời, hoặc di chuyển đến khu vực phụ cận Bangkok để giảm tải.

Thủ tướng Prayut lưu ý có 2 giải pháp khả thi trong chuyện dời đô: “Một là tìm một thành phố khác ở cách Bangkok không quá xa, không quá tốn kém để di dời. Hai là dời văn phòng chính phủ, doanh nghiệp… ra ngoại thành Bangkok để giãn dân”.

Thủ đô Bangkok của Thái Lan chìm trong khói bụi ô nhiễm. Ảnh Reuters

Chính quyền Thủ tướng Thaksin Shinawatra (2001 – 2006) từng nghiên cứu phương án dời đô đến Nakhon Nayok, một tỉnh nằm cách Bangkok 100km về phía đông bắc.

Cách đây 2 năm, người Thái cũng cân nhắc việc dời tất cả văn phòng chính phủ đến tỉnh Chachoengsao, cách Bangkok 80km về phía đông.

Những đề xuất về việc di dời thủ đô vẫn vấp phải sự nghi ngờ từ phía công chúng về mức độ khả thi. Theo ông Thosaporn Sirisamphand thuộc Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan, Thủ tướng vẫn chưa yêu cầu cơ quan này nghiên cứu nghiêm túc về khả năng này.

Theo 1 nghiên cứu công bố năm 2018 về xếp hạng tình trạng giao thông tồi tệ trên thế giới, Bangkok xếp ở vị trí thứ 8, ngay sau vị trí của Jakarta, trong khi Mumbai đứng ở vị trí đầu tiên.

Vấn đề càng thêm nghiêm trọng khi Bangkok và Jakarta thuộc số những thành phố đang sụt lún nhanh nhất thế giới. Cư dân tại 2 địa phương này đang đối mặt tình trạng nước biển dâng, ngập lụt kinh hoàng, nhất là vào mùa mưa.

An Hạ (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thái Lan tính chuyện dời đô khỏi Bangkok
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.