Thái Nguyên chú trọng bảo vệ “lá phổi xanh” cho đô thị

Hoàng Linh|17/09/2023 17:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn chú trọng trồng, chăm sóc, cắt tỉa các loại cây xanh, tạo diện mạo tươi mới, khang trang, hiện đại cho đô thị.

Công tác trồng, chăm sóc hoặc cắt tỉa cây xanh trên nhiều tuyến phố chính của TP. Thái Nguyên như: Đội Cấn, Cách mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ…. đặc biệt được quan tâm Dịp lễ, Tết, nhiều loài hoa, cây cảnh với đủ sắc màu được trồng, trang trí tại những vị trí trung tâm, góp phần tạo cảnh quan cho đô thị thành phố.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên các tuyến phố chính (gần 50 tuyến) của TP. Thái Nguyên có khoảng 44.000m2 thảm cỏ, 17.000m2 bồn cảnh, 4.800 cây cảnh tạo hình và hơn 7.000 cây xanh đô thị. Việc chăm sóc, cắt tỉa, tạo hình cho các loại hoa, cây cảnh này được cơ quan chuyên môn của thành phố thường xuyên quan tâm.

Anh Hà Văn Luấn, Đội trưởng Đội công viên cây xanh (Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên) cho biết: Công ty chúng tôi có gần 30 công nhân chuyên thực hiện việc trồng, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh trong khu vực trung tâm thành phố. Chúng tôi chia thành các tổ, nhóm phụ trách từng khu vực, chăm sóc từng loại cây khác nhau.

Cũng theo anh Luấn, mỗi loại cây có quy cách, thời gian chăm sóc khác nhau. Cụ thể như với thảm cỏ, công nhân sẽ thực hiện nhặt cỏ tạp và cắt cỏ 1-2 lần/tháng tùy vào điều kiện thời tiết. Khi mưa nhiều, cỏ sẽ mọc nhanh hơn và phải tăng cường công nhân làm nhiều hơn.

Với loại cây tạo hình, lá màu, mỗi tháng 1 lần, công nhân sẽ nhặt cỏ, vun gốc, cắt xén để đảm bảo giữ hình dáng cho cây, đồng thời kết hợp bón phân. Riêng đối với các loại hoa trồng trong bồn cảnh sẽ được chăm sóc theo tiêu chí đặc thù. Ngoài bón phân, nhặt cỏ thì việc tưới nước hàng ngày cũng được thực hiện bằng phương pháp thủ công, không sử dụng máy chuyên dụng để tránh bị dập, nát hoa.

la-phoi-xanh.jpg
Ảnh minh họa

Chia sẻ thêm về việc chăm sóc các loại hoa trong đô thị, chị Vũ Thị Quyên, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên nói: Để hoa nở đẹp như mọi người nhìn thấy trên các tuyến đường, đòi hỏi phải mất rất nhiều công sức. Chúng tôi cần thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây hoa để có biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đơn cử như với hoa hồng, cần thường xuyên giữ ẩm cho đất trong suốt quá trình cây sinh trưởng. Ngoài ra phải bón phân hữu cơ để tăng dinh dưỡng cho đất. Chăm sóc hoa hồng cần phải thường xuyên bấm ngọn vào thời điểm cây chuẩn bị ra hoa để kích thích chồi, ra nhiều hoa hơn.

Đối với hơn 7.000 cây xanh đô thị, trung bình 1-2 lần mỗi năm, công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên sẽ thực hiện cắt tỉa cành để nâng tán; chặt bỏ những cây bị sâu bệnh, dễ gãy đổ nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn giao thông, nhất là trong mùa mưa bão.

Theo đại diện cơ quan chuyên môn của TP. Thái Nguyên, để tạo được cảnh quan đô thị đẹp, đơn vị thường xuyên tổ chức cho cán bộ, công nhân viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm trang hoàng đô thị tại nhiều tỉnh, thành phố trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, tham mưu với UBND thành phố quyết định việc trồng loại cây, hoa gì trong đô thị cho phù hợp, đúng quy định.

Ngoài ra, để tăng diện tích đất cây xanh đô thị, TP. Thái Nguyên cũng chỉ đạo thực hiện tốt việc trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh, cụ thể là trên các tuyến đường phố, nơi công cộng, trong khuôn viên cơ quan, trường học… Từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã trồng mới được gần 225.000 cây phân tán.

Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai xây dựng thêm khu công viên, bồn hoa tại các phường Hoàng Văn Thụ, Thịnh Đán, Túc Duyên, Quan Triều… với tổng diện tích gần 20.000m2; thực hiện trồng thay thế cây xanh bóng mát trên một số tuyến phố nhằm loại bỏ những cây đã già cỗi, bị sâu mục, không phù hợp, góp phần giữ gìn mỹ quan và nâng cao chất lượng đô thị..

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thái Nguyên chú trọng bảo vệ “lá phổi xanh” cho đô thị
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.