Xác định kinh tế - xã hội và môi trường là ba trụ cột chính để phát triển bền vững, phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội, những năm qua, cùng với việc duy trì nền kinh tế phát triển ổn định, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.
Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu kiềm chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường. Các chỉ tiêu về môi trường đô thị, nông thôn được cải thiện đáng kể, một số điểm ô nhiễm cao đã được quan tâm chỉ đạo xử lý dứt điểm. Tuy vậy vẫn có nơi để xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài chưa được xử lý.
Báo cáo mới nhất kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn của HĐND tỉnh Thái Nguyên cho thấy, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục kịp thời.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Thái Nguyên có 172 cơ sở chưa hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường, trong đó có 87 dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, 28 trang trại chăn nuôi, 53 mỏ khai thác, chế biến khoáng sản và 4 cơ sở y tế.
Đáng chú ý, đối với 53 mỏ khai thác, chế biến khoáng sản chưa hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường nhiều đơn vị tên tuổi như: Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác vàng sa khoáng Khắc Kiệm của Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long; 3 mỏ khai thác sắt, đá của Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, hàng chục mỏ thuộc HTX công nghiệp và vận tải Chiến Công, Công ty CP Khoáng sản và công nghiệp Cao Bằng hay Công ty CP Kim Sơn…
Riêng mỏ Bồ Cu (huyện Đồng Hỷ) ngoài quặng sắt còn có khoáng sản quý hiếm khác là vàng.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 27 đơn vị cần tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động và liên tục, trong đó có 16 cơ sở liên quan đến nước thải và 11 cơ sở liên quan đến khí thải.