Thái Nguyên: Khắc phục thiệt hại do mưa lớn trên diện rộng

Tú Anh (t/h)|12/09/2019 00:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) TP Thái Nguyên thông kê, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn ước thiệt hại trên 3,7 tỷ đồng.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên, lượng mưa tại TP Thái Nguyên là 243 mm, Núi Cốc 270 mm, đặc biệt tại xã Phúc Trừu lượng mưa lên đến 361mm đã gây ra những thiệt hại nặng. Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 10-9, nhóm thợ xây gồm bốn người xây dựng các công trình tại nhà ông Phạm Mạnh Dũng ở tổ 5, phường Tân Lập, TP Thái Nguyên ngủ tại lán thì bất ngờ bức tường phía sau đổ, đè chết ba người, gồm: Ông Nguyễn Viết Tuấn, sinh năm 1974, cư trú tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh (Hà Nội); anh Vàng Văn Thới, sinh năm 1999; anh Vàng Văn Lượng, sinh năm 2001 đều trú ở xã Bản Ngò, huyện Sín Mần, tỉnh Hà Giang. Người may mắn thoát chết là anh Vàng Văn Viêng, sinh năm 1996 ở xã Bản Ngò kể lại: Tốp chúng tôi đi làm thợ xây tại địa phương, dựng lán dựa vào bức tường để làm chỗ ngủ.

Ảnh minh họa

Đêm 9-9, trời mưa to, tường ngấm nước, bất ngờ đổ sập, đè lên ba người, tôi nằm ngoài cùng cho nên may mắn thoát nạn, chạy ra ngoài báo cho chủ nhà, các đội thợ xây khác và lực lượng của địa phương đến ứng cứu, nhưng cả ba nạn nhân đều không qua khỏi. Ngay sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo tỉnh, TP Thái Nguyên và các cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo cứu nạn, khám nghiệm hiện trường, hỗ trợ phương tiện đưa các nạn nhân về gia đình lo hậu sự. TP Thái Nguyên hỗ trợ mỗi nạn nhân gần ba triệu đồng.

Theo đó, có gần 1.500 hộ dân trên địa bàn thành phố bị nước tràn vào nhà; một số trường tiểu học, THCS bị đổ tường rào và phải cho học sinh nghỉ học do bị ảnh hưởng ngập sâu nhiều tuyến đường; trụ sở một số phường, xã bị đổ tường rào; khoảng 400 ha lúa và trên 60 ha rau màu bị ảnh hưởng; khoảng 2 nghìn con gà (khoảng 3 tấn) ở xã Phúc Hà, xã Cao Ngạn bị chết do nước tràn vào trại; sạt lở nhiều bờ kè, đường bê tông; trên 8 km đường giao thông bị ảnh hưởng do nước dâng cao (mực nước từ 0,5 đến hơn 1m), phương tiện giao thông không di chuyển được; trên 50 ô tô bị chết máy; trên 12 ha ao, hồ nuôi cá bị ngập nước; đổ 1 cột phát sóng của vinaphone tại xã Quyết Thắng; các trạm biến áp tại siêu thị Aloha, Minh Cầu, 110KV Đán bị ảnh hưởng… Ngoài ra, Hợp tác xã chè Tân Hương nước tràn vào trụ sở, nhà kho gây thiệt hại về máy móc, bao bì và sản phẩm chè các loại; 50 hộ kinh doanh tại tầng hầm Siêu thị Thành Đô bị thiệt hại hàng hóa do nước dâng cao. Thiệt hại về người, có 03 người chết do tường rào đổ vào lán khi đang ngủ…

Ngay trong sáng ngày 10/9, lãnh đạo TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT & TKCN thành phố phân công các lực lượng đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại theo phương châm “4 tại chỗ”. Huy động các lực lượng tham gia ứng cứu và khắc phục hậu quả thiên tai; giải cứu an toàn 32 công dân bị cô lập do ngập nước tại phường Quang Vinh, phường Tân Lập và xã Quyết Thắng; hỗ trợ chuyên trở hàng trăm lượt người và phương tiện của Chung cư Tiến bộ, phường Quang Vinh qua vùng ngập sâu; tập trung các lực lượng khơi thông cống rãnh, mở nắp tấm đan, nắp đậy hố ga hệ thống cống và các cửa xả để cho tiêu thoát nước nhanh; cảnh báo nguy hiểm các đoạn đường bị ngập sâu, hố gas gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; tổ chức đắp 300 bao tải đất gia cố điểm sung yếu của tuyến đê bối phường Túc Duyên; tổ chức ứng trực, tuần tra đảm bảo an toàn tuyến đê; tổ chức bơm tiêu úng cho tầng hầm siêu thị và khu dân cư; cứu hộ các xe bị ngập nước trên các tuyến đường; chỉ đạo khắc phục sự cố Trạm biến áp 110KV Đán; tổ chức thống kê kiểm đếm xác minh thiệt hại về sản xuất nông nghiệp để hỗ trợ cho nhân dân phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Chiều ngày 10-9, Thường trực Tỉnh ủy triệu tập cuộc họp khẩn với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND tỉnh ban hành Công điện khẩn về chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất, chỉ đạo các địa phương rà soát theo phương châm “bốn tại chỗ”, chú trọng dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có lũ lớn. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

Tú Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thái Nguyên: Khắc phục thiệt hại do mưa lớn trên diện rộng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.