Thái Nguyên: Phân loại rác tại nguồn vẫn chậm trễ

Minh Trang|20/09/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Một ngày, lượng rác thải trên toàn địa bàn tỉnh Thái Nguyên lên đến hàng nghìn tấn mỗi ngày. Tuy nhiên thời gian qua, công tác phân loại rác thải tại nguồn (PLRTTN) lại chưa đạt hiệu quả.

Hiện nay, lượng rác thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là khoảng 1.000 tấn/ngày. Nếu PLRTTN, chủ nguồn thải phân lọc rác thành các loại để bán cho các cơ sở tái chế (rác thải tái chế), rác thải hữu cơ dễ phân hủy được ủ làm phân bón, hoặc bán cho cơ sở chế biến phân bón hữu cơ; qua đó giảm đáng kể lượng rác phải đem đi chôn lấp hoặc đốt.

Thế nhưng hiện nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều chưa thể thực hiện hiệu quả PLRTTN. Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), trong tương lai, phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đối với cá nhân, hộ gia đình sẽ tính theo khối lượng rác thải chứ không tính theo hộ hoặc số nhân khẩu như hiện nay. Vì vậy, khi phân loại rác thải tại nguồn, rác thải tái chế, rác thải dễ phân hủy sẽ không bị tính phí.

phan-loai-rac-tai-nguon.jpg
Hiện rác thải sinh hoạt ở T.P Thái Nguyên vẫn chưa được phân loại trước khi xử lý hiệu quả

Đặc biệt, Nghị định số 45 cũng quy định rõ, đơn vị thu gom có thể từ chối thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đối với cá nhân, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác thải tại nguồn

Mặc dù đã có quy định của pháp luật và thời gian áp dụng còn hơn 2 năm, nhưng qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy hầu như các địa phương đều chưa có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất để thực hiện, trong khi người dân vẫn còn khá “lạ” với khai niệm bị xử phạt. Vì vậy, người dân vẫn bỏ rác thải sinh hoạt hàng ngày lẫn vào một 1 túi.

Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên), cho biết: Đến năm 2021, toàn bộ rác thải sinh hoạt của 15/15 tổ dân phố trên địa bàn đã được thu gom, vận chuyển đi xử lý. Còn việc PLRTTN, địa phương chưa thể thực hiện được, do người dân vẫn có thói quen bỏ tất cả các loại rác vào cùng 1 túi. Việc thay đổi thói quen này của người dân không thể làm trong một thời gian ngắn…

Còn bà Trần Thị Thanh, ở tổ dân phố Trại, phường Tân Hương (TP. Phổ Yên), nói: Chúng tôi đã được chính quyền tuyên truyền về PLRTTN. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn, vì nhà ở đô thị, đất chật không có khu vực chôn lấp rác thải hữu cơ, khi đã ủ thành phân hữu cơ cũng không có vườn trồng cây để bón, bán thì không có ai mua… Bên cạnh đó, một số tuyến phố của TP. Phổ Yên cũng chỉ bố trí 1 thùng rác chung, chứ không có thùng rác riêng cho các loại nên bà con buộc phải cho tất cả vào thùng đó.

Ngay như TP. Thái Nguyên, từ năm 2015, đã triển khai đề án Phân loại rác thải tại nguồn. Trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này và đầu tư lắp đặt các thùng để phân loại rác. Qua đó, ý thức của người dân về PLRTTN đã dần thay đổi. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất phục vụ thu gom, xử lý vẫn còn hạn chế nên khâu xử lý vẫn còn khó khăn, chỉ một phần nhỏ rác thải có thể tái chế được tận thu, số lượng rác thải tái chế còn lại và rác thải dễ phân hủy vẫn phải đem đi đốt, chôn lấp…

Ông Phạm Văn Đông, Giám đốc HTX Môi trường Trung Thành (TP. Phổ Yên), cho biết: Đây là việc làm khó nên cơ quan ban hành Luật đã cho phép kéo dài thời gian áp dụng. Thời gian còn hơn 2 năm, nhưng nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, đến khi áp dụng Luật, chúng ta vẫn chưa thể vận hành quy trình PLRTTN hiệu quả. Vì vậy, giải pháp trước mắt để người dân nâng cao nhận thức là tăng cường hướng dẫn người dân chôn, ủ rác thải dễ phần hủy thành phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Ở đô thị, cần phải tính đến việc thực hiện mô hình thí điểm và nhân rộng.

Bài liên quan
  • Phân loại rác tại nguồn - Điểm sáng từ Đà Nẵng
    Sau hơn 2 năm triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (rác) tại nguồn, Hiện đã có 78% tổng số hộ gia đình, 83% tổng số tổ dân phố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã tham gia phân loại rác tại nguồn (PLRTN).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thái Nguyên: Phân loại rác tại nguồn vẫn chậm trễ
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.