Ngày 17/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo tham vấn khu vực miền Trung và Tây Nguyên về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến để hoàn thiện Báo cáo tổng kết và tập trung thảo luận kết quả thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW và đề xuất quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng, cho biết: Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và Chương trình hành động số 27-Ctr/TU ngày 31/7/2013 của Thành ủy Đà Nẵng, Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả tích cực.
Thành phố đã quan tâm, tập trung nhiều nguồn lực để quy hoạch, đầu tư các dự án quan trọng về đê, kè; các dự án về hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu đô thị, khu công nghiệp..., qua đó góp phần xử lý kịp thời các điểm, nóng về môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Thành phố Đà Nẵng đã được các bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao và đạt nhiều giải thưởng về công tác bảo vệ môi trường như: Một trong 11 thành phố bền vững về môi trường của ASEAN; là Đô thị có không khí sạch và hàm lượng cacbon phát thải thấp của châu Á (năm 2012); Thành phố phong cảnh châu Á (năm 2013); Đô thị xuất sắc trong phong trào xây dựng đô thị xanh sạch đẹp, Thành phố môi trường Việt Nam (năm 2015); Thành phố đạt giải nhất về các chỉ số đánh giá công tác bảo vệ môi trường Việt Nam (năm 2021)...
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thành tựu nổi bật sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW là sự thay đổi căn bản trong nhận thức, tư duy của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Môi trường được coi là điều kiện nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Ứng phó với biến đối khí hậu nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ coi thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, carbon thấp.
Tài nguyên được điều tra, đánh giá, quản lý bền vững hơn, được phân bổ theo tín hiệu thị trường thông qua đấu giá quyền sử dụng, quyền khai thác. Tư duy về bảo vệ môi trường được chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm lớn. Kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa, tạo lập điều kiện để phát triển...
Tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai vẫn còn lớn, diễn biến và các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Việc khai thác tài nguyên vẫn còn chưa thực sự bền vững, việc sử dụng chưa thật tiết kiệm, hiệu quả. Cường độ sử dụng tài nguyên, năng lượng còn ở mức cao so với thế giới. Xu hướng ô nhiễm môi trường còn tiếp diễn, suy thoái đa dạng sinh học chưa được ngăn chặn.
Từ khi Nghị quyết 24-NQ/TW ra đời đến nay, bối cảnh thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi. Do đó, những vấn đề đối với việc thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 cần được xem xét, cập nhật để đáp ứng các vấn đề đang nổi lên và xác định được các nhóm giải pháp, các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục thực hiện thành công Nghị quyết quan trọng này.