Thanh Hóa: Đánh thức tiềm năng du lịch tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Nguyễn Trường – Sơn Hà|09/08/2022 14:11
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là một trong những khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học tầm quốc gia và quốc tế, được xem là khu vực có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng.

pu-luong-2.jpg
Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông được thành lập từ năm 1999 theo Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 24-4-1999 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, với diện tích được giao quản lý là 17.171,03 ha, trong đó diện tích rừng đặc dụng là 16.982,6 ha nằm trên địa bàn 9 xã thuộc 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước. Đây là một trong những khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học tầm quốc gia và quốc tế.

pu-luong-1.jpg
Rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới thường xanh theo mùa, có hệ thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại

Qua các đợt điều tra, Khu BTTN Pù Luông có sự xuất hiện 1.542 loài thực vật; 908 loài động vật, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm được xếp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Khu BTTN Pù Luông không chỉ đa dạng về các loài động vật thực vật, hệ sinh thái mà còn hấp dẫn bởi cảnh quan mang đặc trưng của vùng Tây Bắc Việt Nam với những đồi, núi trùng điệp, ruộng bậc thang, các làng bản ven suối. Đặc biệt, nơi đây có thác nước bản Hiêu, hệ thống hang động kỳ thú mới được phát hiện và thắng cảnh làng, bản còn giữ nguyên bản sắc văn hoá Mường – Thái chưa bị pha trộn nhiều. Thiên nhiên đã ban tặng cho khu bảo tồn một nơi nghỉ mát lý tưởng Son – Bá - Mười thuộc xã Lũng Cao; cảnh quan hấp dẫn của rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, hang Kho Mường huyền bí thuộc xã Thành Sơn (Bá Thước).

pu-luong-3.jpg
Động vật ở Khu BTTN Pù Luông cũng hết sức đa dạng, nhiều loại đang nằm trong Sách đỏ Việt Nam

Với hệ sinh thái, động vật phong phú, đa dạng đó, Khu BTTN Pù Luông được xem là khu vực có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng cho những xã nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn. Đặc biệt, Pù Luông có những thửa ruộng bậc thang trải dài khắp thung lũng, vẽ nên bức tranh cuộc sống yên bình nơi các bản làng người Thái, người Mường. Điều đó không chỉ gây ấn tượng đẹp cho du khách, mà còn là yếu tố căn bản tạo nên tính ổn định và là lợi thế trong kinh doanh du lịch khi không phụ thuộc vào tính mùa vụ.

pu-luong-4.jpg
Để đảm bảo tính đa dạng và sự phong phú của hệ thực, động vật trong Khu bảo tồn, nhiều năm qua, BQL Khu BTTN Pù Luông đã làm tốt công tác bảo vệ rừng

Được biết, Ban Quản lý (BQL) Khu BTTN Pù Luông đang xây dựng Đề án “Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và trồng dược liệu trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông, giai đoạn 2022-2030”. Sau khi đề án được phê duyệt, đơn vị sẽ đưa điểm, tuyến du lịch đỉnh Pù Luông, tuyến Kho Mường đi Pốn Thành công - thác Hiêu... vào khai thác. Để phát huy hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra, đơn vị sẽ kết hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước gấp rút hoàn thành bản quy chế về quản lý các hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động leo núi. Việc đa dạng hóa các loại hình du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Khu BTTN Pù Luông chắc chắn sẽ tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch; đưa nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến Thanh Hóa.

Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước, trong 5 tháng đầu năm 2022, Khu Du lịch Pù Luông đón 21.318 lượt khách (khách quốc tế 1.318 lượt, khách trong nước 20.000 lượt), trong đó có khoảng 300 lượt khách leo núi. Loại hình du lịch chinh phục đỉnh núi phát triển không chỉ giúp du khách có cơ hội khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, mà chính người dân địa phương cũng được hưởng lợi. Trên các tuyến leo núi dần hình thành các lán nghỉ phục vụ nhu cầu lưu trú qua đêm và nhu cầu ăn, uống của du khách. Tính tới thời điểm hiện tại, huyện Bá Thước có 73 cơ sở lưu trú dạng homestay, hàng chục người chuyên tổ chức các đoàn leo núi và làm nghề porter.

pu-luong-5.jpg
Việc phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Khu bảo tồn trong phát triển du lịch đã đưa Pù Luông trở thành một điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước

Chia sẻ về công tác quản lý, bảo về rừng cũng như phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch của Khu BTTN Pù Luông, Ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Luông hồ hởi: “Thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Luông ngoài làm tốt công tác bảo vệ rừng, còn kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân sống xung quanh vùng lõi, vùng đệm; nghiên cứu thực hiện các mô hình sản xuất mới phù hợp với đặc thù của địa phương, giúp người dân có việc làm, thu nhập ổn định... Qua đó, góp phần phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống xung quanh khu BTTN, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, nhằm phát huy được những giá trị của hệ sinh thái trong phát triển du lịch, thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Luông đã, đang nỗ lực bảo tồn, duy trì, phát triển hệ sinh thái đa dạng trên. Nơi đây đã, đang trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài nước, qua đó góp phần cải thiện đời sống người dân trong khu vực, đồng thời bảo tồn được hệ sinh thái”.

Bài liên quan
  • Thứ 7 - Ngày môi trường Phú Quốc
    Sáng 06/8, chính quyền, cán bộ, công nhân viên, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP Phú Quốc đã đồng loạt ra quân hưởng ứng "Ngày vì môi trường Phú Quốc" xanh, sạch, đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Đánh thức tiềm năng du lịch tại khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.