Cuộc thi do Trường Đại học Nha Trang phối hợp với sở giáo dục và đào tạo các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk tổ chức. Được khởi động từ tháng 4, cuộc thi thu hút gần 1.200 học sinh đến từ 226 đội thi, thuộc 70 trường THPT của 4 tỉnh tham gia vòng thi online. Từ đó, Ban tổ chức đã chọn ra 18 đội thi xuất sắc tham gia vòng chung kết, diễn ra từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8. Tại đây, mỗi đội trải qua 2 phần thi: Thiết kế poster tuyên truyền và tranh vẽ trên áo chủ đề bảo vệ nguồn nước và môi trường ven biển, bảo vệ đa dạng sinh học; kế hoạch hành động bảo vệ môi trường liên quan đến chủ đề cuộc thi thông qua một dự án cụ thể.
Xuất phát từ thực tế một số hộ dân tại địa phương thường lấy nước ở sông, suối, ao, hồ chưa qua xử lý để sử dụng, đội thi gồm 5 nữ sinh của Trường THPT Trường Chinh (tỉnh Ninh Thuận) đã lên phương án giải quyết phần nào vấn đề nguồn nước sinh hoạt trong gia đình. Trong tháng 8, các thành viên sẽ tiến hành khảo sát khu vực sông, suối xung quanh nơi mình sinh sống, vận dụng những kiến thức đã được học để hướng dẫn người dân làm bình lọc nước. Tiếp đó, nhóm sẽ bắt tay vào việc dọn dẹp rác ven bờ và rác trên sông, sơn lại 2 cây cầu, vẽ tranh tuyên truyền trên tường ở những nơi công cộng, thiết kế thùng rác mini. Trong tháng 9, nhóm sẽ triển khai hàng loạt hoạt động tuyên truyền tại các buổi chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa của trường; tuyên truyền thông qua đài phát thanh địa phương và qua trang facebook của Đoàn trường. Từng phần việc được lên kế hoạch, thời gian và mục tiêu cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên, dự trù kinh phí. Dự án đã xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi “Môi trường xanh” năm 2022.
Giải nhì của cuộc thi là dự án “Tuổi trẻ chung tay bảo vệ nguồn nước sạch từ những hành động nhỏ mỗi ngày” của đội đến từ Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Các thành viên của đội đã xây dựng chuỗi hành động gồm: Kết hợp với Đoàn trường tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt ngoại khóa chủ đề “Bảo vệ nguồn nước sạch”; thu gom rác thải nhựa tại trường học và rác dọc theo sông Dinh, từ khu vực xã Ninh Xuân đến cửa biển tại xã Ninh Phú; cải tạo một phần cảnh quan hồ sinh thái nhân tạo trong khuôn viên trường sạch đẹp hơn và mang dấu ấn riêng…
Đội đến từ Trường THPT Lê Trung Kiên (tỉnh Phú Yên) thì lên kế hoạch tuyên truyền qua các diễn đàn, chương trình giao lưu, dã ngoại, thông qua các băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, mạng xã hội. Tiếp đó, nhóm sẽ thiết kế các thùng rác phân loại rác thải đặt tại bãi biển, phối hợp với Đoàn trường, đoàn phường, Câu lạc bộ Mái trường xanh thực hiện chiến dịch thu gom rác thải dọc bờ biển. Còn đội đến từ Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (tỉnh Đắk Lắk) lên ý tưởng xây dựng các “trạm đọc” bằng cách tận dụng đồ đạc cũ để chứa sách, tài liệu tuyên truyền, phối hợp với Đoàn trường tổ chức ngày hội làm đồ handmade để tuyên truyền và gây quỹ xây dựng các “trạm đọc”. Đặc biệt, nhóm sẽ phối hợp với Đoàn trường và đoàn thanh niên của buôn kết nghĩa tổ chức ngày hội trồng rừng, đặt mục tiêu trồng mới 1ha rừng tại Buôn Păn A, huyện Krông Pắk. Đội đến từ Trường THPT Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đưa ra sáng kiến tổ chức một cuộc thi vẽ tranh, viết truyện trong trường; tổ chức trò chơi online tìm hiểu về môi trường; thiết kế và hướng dẫn người dân tự lắp đặt hệ thống lọc nước từ nguyên liệu đơn giản, chi phí thấp. Em Đinh Quang Trí, thành viên của đội chia sẻ: “Mong muốn của chúng em là từ những hành động thực tế của mình có thể tuyên truyền nâng cao ý thức cho các bạn học sinh và người dân trong việc bảo vệ nguồn nước, đồng thời lan tỏa sản phẩm của dự án để mọi người có thể sử dụng trong đời sống”. Các dự án này đã được Ban tổ chức trao giải ba.
Tiến sĩ Quách Hoài Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nha Trang nhận định, các đội thi đã để lại ấn tượng đối với Ban giám khảo và người xem với những dự án sáng tạo, thiết thực. Nhiều dự án có tính khả thi cao, có khả năng tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Các đội cũng đã thể hiện được sự năng động, kỹ năng làm việc nhóm tốt. Đây là lần thứ 4 cuộc thi được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh về lĩnh vực môi trường, giúp các em lên ý tưởng và thực hiện các hoạt động hướng đến bảo vệ môi trường một cách sáng tạo, hiệu quả.