Thanh Hóa: Giá dứa xuống thấp, người nông dân lao đao

Ngọc Linh (t/h)|02/04/2019 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Hàng nghìn heta dứa chín rộ và chuẩn bị thu hoạch nhưng cũng chỉ nằm ngổn ngang trong vườn vì giá quá thấp chỉ bán được giá dao động từ 2.500 đồng -3.000 đồng/kg. Với giá bán này, nhiều hộ dân nơi đây đang lao đao vì lỗ vốn.

>>> Thanh Hóa: Ngư dân lao đao vì ngao chết trắng bãi bất thường

>>> Nhiệt độ ở Mẫu Sơn giảm còn 11 độ C

>>> Hàn Quốc: Cấm sử dụng túi nilon dùng một lần từ ngày 1/4/2019

Tại Thanh Hóa, dứa gai được trồng tập trung ở các huyện Hà Trung, Thạch Thành và Nông trường Thống Nhất (Yên Định). Hàng năm, khi dứa đang chuẩn bị thu hoạch đã xuất hiện nhiều thương lái đến đặt mua với giá khá cao nên nông dân phấn khởi mở rộng diện tích canh tác. Nhưng năm nay, do giá dứa xuống thấp, cộng với thương lái không thu mua rầm rộ như những năm trước khiến nhiều nông dân trồng dứa lâm vào cảnh lao đao.

Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung (phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn) có khoảng 600 ha trồng dứa. Hiện dứa đang vào vụ thu hoạch chính, dù năng suất cao nhưng giá bán lại thấp khiến người nông dân đang vô cùng lo lắng.

Ông Đào Công Bình, đội 7, Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung, cho biết: Gia đình tôi có 1 ha dứa đã đến ngày thu hoạch. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên năng suất dứa cao hơn những năm trước. Sản lượng dứa của gia đình tôi đạt khoảng 55-60 tấn/ha, tuy nhiên giá dứa chỉ bán được 3.000 đồng/kg (dứa loại 1). Trừ chi phí từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch khoảng 150 triệu/ha, chúng tôi chẳng những không có lãi mà còn lỗ vốn cả vài chục triệu đồng/ha.

Cùng chung nỗi niềm đó, anh Đỗ Xuân Hải, thôn 6, Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung, bộc bạch: Gia đình tôi có 7 – 8 ha diện tích trồng dứa đã và đang cho thu hoạch. Khoảng 10 ngày trước giá dứa chỉ có 2.000 đồng/kg. Vài ngày gần đây, giá dứa đang nhích dần lên, tôi bán được mức giá từ 2.800 đồng -3.000 đồng/kg (đối với dứa loại 1); loại dứa nhỏ chỉ được 1.500 đồng – 1.700 đồng/kg.

Trong khi đó, chi phí trồng và thu hoạch dứa từ 150 triệu -170 triệu/ha. Với giá dứa này, gia đình tôi lỗ từ 30 triệu -40 triệu đồng/ha. “Giá dứa bấp bênh, khiến chúng tôi muốn chuyển đổi cây trồng khác, nhưng đặc trưng thổ nhưỡng nơi đây chỉ hợp với cây mía và cây dứa, người dân cũng không biết chuyển đổi cây trồng gì để có giá trị kinh tế cao hơn.

Vài năm nay, do giá mía xuống thấp, nhiều diện tích được các hộ dân chuyển đổi sang trồng dứa, vì vậy đầu ra cho cây dứa lại càng khó khăn hơn. Với giá dứa hơn 3.000 đồng/kg thì người nông dân mới hòa vốn còn giá dứa phải từ 4.000 đồng/kg người nông dân mới có lãi” – Anh Hải nói.

Tại xã Hà Long (huyện Hà Trung), Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định), huyện Thạch Thành… giá dứa cũng dao động từ 2.500 đồng – 3.000 đồng/kg, khiến các hộ dân trồng dứa nơi đây đang hết sức lo lắng.

Anh Nguyễn Quang Mạnh, xã Hà Long, nói: Gia đình tôi có 2ha diện tích trồng dứa. Dịp sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi giá dứa vẫn bán được 4.200 đồng/kg. Từ sau rằm tháng giêng, giá dứa bắt đầu giảm xuống, cao nhất chỉ bán được giá 3.000 đồng/kg. Người dân chúng tôi rất cần một đơn vị bao tiêu đầu ra cho sản phẩm để người nông dân yên tâm sản xuất. Có như vậy, đời sống người dân mới đỡ vất vả hơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Trung Trực, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung, chia sẻ: “So với trồng mía, người dân trồng dứa bấp bênh hơn, bởi mía có nhà máy đường bao tiêu sản phẩm. Còn đối với dứa, hiện vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định, trên địa bàn cũng chưa có nhà máy chế biến dứa nên người dân chủ yếu bán ra thị trường tiêu thụ bên ngoài, tự phát. Vì vậy, rất cần một đầu ra ổn định để cho người nông dân đỡ vất vả”.

Là một thương lái đã có 30 năm kinh nghiệm trong việc thu mua dứa, ông Nguyễn Ích Thuận, thị xã Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), chia sẻ: “Giá dứa 2 năm nay không ổn định, có thời gian rớt giá chỉ có hơn 1.000 đồng/kg. Bao công sức người dân bị mất trắng. Nguyên nhân giá dứa thấp là do vài năm lại đây người dân trồng dứa quá nhiều, không có quy hoạch, trong khi đó thị trường hoa quả lại ngày càng phong phú, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Như năm nay, thời tiết ấm, khiến dứa chín sớm đồng loạt, người mua còn ít nên giá dứa thấp dù mới chỉ đầu mùa”.

Theo ông Phạm Trung Trực, để tránh việc thu hoạch dứa đồng loạt gây mất giá, đầu năm Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung đã có văn bản hướng dẫn đến các tổ trưởng để phổ biến cho người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc dứa sao cho thu hoạch dàn trải. Tuy nhiên, không chỉ có dứa của bà con trong công ty mà khu vực xung quanh người dân trồng dứa cũng nhiều, như xã Hà Long có từ 600 ha -800 ha diện tích trồng dứa. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu là tự phát chưa có đơn vị bao tiêu sản phẩm, vì vậy giá dứa vẫn bấp bênh. Đầu mùa, giá dứa chỉ khoảng 2.500 đồng/kg, đến nay, giá dứa đang tăng dần lên 3.000 đồng/kg. Dự tính đến khoảng tháng 4, 5, thời tiết nắng lên, nhu cầu tăng, giá dứa sẽ tăng lên.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung cũng đã đi thăm các mô hình trồng cây nông, công nghiệp hiệu quả kinh tế cao để áp dụng chuyển đổi cây trồng cho bà con. Tuy nhiên, do đặc trưng nơi đây chủ yếu là đất đồi, không có hệ thống kênh mương tưới tiêu, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết; lao động lại khan hiếm do trên địa bàn có nhiều nhà máy thu hút lực lượng lao động vào làm việc tại đó, những người lao động ở nhà chủ yếu là người đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu… Nhưng năm qua, công ty đã thử một số loại cây trồng khác để chuyển đổi cây dứa, nhưng không thành công và bài toán tìm đầu ra ổn định cho quả dứa vẫn chưa có lời giải.

“Người dân trồng dứa nơi đây rất mong các cấp, các ngành quan tâm kêu gọi các nhà máy chế biến hoa quả đặt hàng hoặc các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến trên địa bàn để có đơn vị bao tiêu sản phẩm giúp cuộc sống của người nông dân trồng dứa đỡ vất vả”, ông Trực nói.

Được biết, thời vụ thu hoạch dứa tại Lục Nam sẽ kéo dài tới cuối tháng 6, đầu tháng 7, trùng với thời gian thu hoạch vải thiều. Do vậy, nhiều khả năng trong khoảng thời gian này giá dứa vẫn duy trì ở mức thấp.

Thiết nghĩ, các địa phương nên có giải pháp tình thế giúp tiêu thụ dứa, nâng cao giá bán cho người dân. Về lâu dài, cần có giải pháp hữu hiệu tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa mất giá như hiện nay.

Ngọc Linh (t/h)



(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Giá dứa xuống thấp, người nông dân lao đao
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.